Tiêm kích F-35 được Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất từ năm 2006 và cho đến nay khoảng 730 máy bay đã xuất xưởng, cho thấy nó được đánh giá rất cao trên phạm vi toàn thế giới, bất chấp những lời chê bai từ phía đối thủ.
"F-35 là tiêm kích tốt nhất của thế kỷ 21, nó thậm chí là chiến đấu cơ xuất sắc nhất từng được tạo ra", chuyên mục quân sự của ấn phẩm Canada HotCars đã liệt kê những ưu điểm của phương tiện tác chiến này.
F-35 được trang bị "tận răng", vì nó có một kho vũ khí phong phú, được bố trí bên trong thân nhằm tránh bộc lộ diện tích phản xạ radar. Đó là 180 viên đạn pháo 25 mm, tên lửa không đối không (AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder, AIM-132 ASRAAM, MBDA Meteor)...
Bên cạnh đó còn là tên lửa không đối đất (AGM-88G AARGM-ER , AGM-158 JASSM), tên lửa chống hạm (AGM-158C LRASM), bom (bao gồm dẫn đường bằng laser, AGM-154 JSOW) và nhiều hơn nữa.
Điều này khiến F-35 trở thành một "máy bay chiến đấu đa năng", trái ngược với những hạn chế về chức năng của chúng. Ví dụ, máy bay cường kích Il-2 và Su-25 của Liên Xô được thiết kế chỉ chuyên để tấn công các mục tiêu mặt đất.
Đồng thời F-35 không bị hạn chế trong việc thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu, là "mũi nhọn của mọi chiến thuật" vì có thể thực hiện nhiều vai trò, bao gồm tấn công lực lượng trên bộ, chiếm ưu thế và trinh sát trên không, trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào.
Khi thực chiến chế độ tác chiến bí mật, F-35 có khả năng tàng hình tốt nhất, không bị ảnh hưởng bởi tốc độ bay. Chiếc tiêm kích tự tin xác định các mối đe dọa, do sở hữu kho lưu trữ thông tin đặc biệt về phương tiện hủy diệt của đối phương.
Trong trường hợp bị đối phương phát hiện, máy bay nhờ động cơ mạnh mẽ và tin cậy sẽ dễ dàng thoát khỏi nguy hiểm, nếu cần thiết, nó có thể dùng hệ thống tác chiến điện tử tích hợp nhằm chế áp radar của máy bay địch.
F-35 những phương pháp tiên tiến để thu thập và chia sẻ thông tin do hệ thống giám sát của máy bay thu thập. Liên kết dữ liệu nâng cao đa chức năng (MADL) cho phép truyền lượng lớn thông tin một cách an toàn.
Thông tin mà một chiến đấu cơ nhận được có thể được sử dụng bởi các tiêm kích khác nhờ hệ thống liên kết đặc biệt. Hệ thống hiển thị trên mũ bay (HMDS) cung cấp cho phi công F-35 dữ liệu cập nhật nhất với "mức độ nhận thức tình huống vô song"
Hệ thống tác chiến điện tử AN/ASQ-239 được lắp đặt trên F-35 giúp nó có thể xác định, giám sát, phân tích và ứng phó với các mối đe dọa trên mặt đất và trên không, đồng thời cung cấp tầm nhìn 360 độ về không gian tác chiến.
Bằng cách tàng hình trước kẻ thù, chiến đấu cơ F-35 có thể phát hiện đối phương "ở một phạm vi đáng kinh ngạc", điều này được tờ báo Canada đặc biệt nhấn mạnh.
Nếu F-15 với radar APG-62 có thể nhận diện mục tiêu cách 415 km, F-16 với ABR - 280 km, F-22 với APG-77 - 500 km thì F-35 với radar AFAR đã vượt quá 500 km. Trong trường hợp này, nó có thể sử dụng thiết bị giám sát thụ động và nhận thông tin từ các máy bay khác.
Tất cả những ưu điểm này cho phép F-35 thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Vào cuối năm 2020, nó trở thành máy bay hiệu quả nhất trong Không quân Mỹ: tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ (được tính dựa trên lượng thời gian cần thiết để giải quyết ít nhất một nhiệm vụ chiến đấu) trong năm nay là 76,07%.
Một ưu điểm nữa đã được chỉ ra, đó là nhiều người không biết rằng F-35 rẻ hơn hầu hết các đối thủ của nó. Vào năm 2020, giá của một máy bay chiến đấu sản xuất mới là 87,1 triệu USD, và dự kiến sẽ giảm xuống còn 77,2 triệu USD vào năm 2022.
Bạch Dương