Việc cải tiến liên tục đối với tiêm kích Flanker Nga đã khiến nó trở thành máy bay tốt nhất trên thị trường quốc tế, ý kiến trên được tờ báo Trung Quốc Sohu đưa ra.
Trang Sohu điểm lại, sự ra đời của tiêm kích chiếm ưu thế trên không hạng nặng Su-27 Flanker đã đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới đối với máy bay chiến đấu do Liên Xô chế tạo.
Chiếc tiêm kích này có khả năng cơ động tuyệt vời bất chấp thân hình to lớn và có phần nặng nề do trang bị hai động cơ phản lực mạnh mẽ, nó có thể mang bom dẫn đường, tên lửa không đối không và không đối đất.
Đây là cơ sở để Nga phát triển dòng tiêm kích đa năng hiệu quả hơn, trở thành một trong những phi cơ tốt nhất trên thị trường vũ khí thế giới: Su-30.
“Mặc dù Nga chỉ có thể sản xuất một số lượng nhỏ Su-30 do cuộc khủng hoảng những năm 1990, nhưng những chiếc máy bay này đã xoay chuyển tình hình trên thị trường vũ khí toàn cầu theo hướng có lợi cho Moskva".
"Vào giữa những năm 1990, hàng chục chiếc máy bay chiến đấu cải tiến từ Su-27 Flanker này đã được bán ra nước ngoài: cho Ấn Độ và các quốc gia khác thuộc châu Á - Thái Bình Dương”, ấn phẩm Trung Quốc cho biết.
Các kỹ sư Nga không dừng lại ở đó khi tiếp tục cải tiến Su-30 và nâng cao khả năng chiến đấu của nó, Sohu lưu ý. Máy bay được trang bị các khí tài điện tử mới, bao gồm hệ thống radar tiên tiến để có khả năng sử dụng tên lửa chống hạm.
Nga hiện đang tích cực sản xuất và xuất khẩu Su-30 với các phiên bản cải tiến, ví dụ như Su-30SM hay đặc biệt nhất là Su-35S.
Hiện nay vị thế của những máy bay chiến đấu nói trên đối với thị trường quốc tế vẫn là vô cùng vững chắc, mặc dù nó kém hơn về hiệu suất so với các mẫu tiêm kích thế hệ năm tối tân nhất hiện nay.
Khả năng của tiêm kích Flanker cải tiến có thể được gọi là tuyệt vời, trong khi giá tương đối thấp. Đó là lý do tại sao nhiều quốc gia tiếp tục tỏ ra quan tâm, điển hình như Ấn Độ thường mua theo lô lớn.
Thậm chí gần đây để hạn chế các hợp đồng xuất khẩu tiêm kích thuộc họ Flanker, Mỹ đã phải đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt lên khách hàng mua vũ khí Nga theo các điều khoản của Đạo luật CAATSA.
Động thái trên bị Nga cáo buộc là hành động cạnh tranh thiếu lành mạnh. Mặc dù Mỹ đã thành công tại Ai Cập, Indonesia và một vài quốc gia khác nhưng nhu cầu dành cho những chiếc Su-30SM hay Su-35 vẫn là rất lớn.
Chiến đấu cơ thế hệ 4,5 mới nhất của Mỹ là F-15EX đang phải cạnh tranh cực kỳ vất vả trước Su-35 hay Su-30SM khi nó có giá thành cao hơn, vướng phải nhiều điều khoản sử dụng khắc nghiệt và nhất là tính năng chưa được chứng minh nổi trội.
Dự báo trong thời gian tới, các tiêm kích cải tiến thuộc họ Flanker vẫn là "con gà đẻ trứng vàng" của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Việt Dũng