Tiêm kích hạm "hàng hiếm" MiG-29K - phiên bản hải quân của MiG-29 Fulcrum không có nhiều cơ hội chứng tỏ bản thân trên chiến trường Ukraine bởi vì tàu sân bay duy nhất của Nga đã ngừng hoạt động, nhưng rồi giải pháp đưa ra là cất cánh từ sân bay cố định.
MiG-29K được thiết kế để bảo vệ hạm đội thu thập dữ liệu tình báo và trinh sát, cũng như thực hiện nhiệm vụ chống hạm. Đây là loại máy bay chiến đấu đa năng một chỗ ngồi, nó có thể mang tải trọng lớn nhất 5,5 tấn gồm nhiều vũ khí có điều khiển.
Tốc độ tối đa của MiG-29K lên tới 2.400 km/h, trần bay 18 km và máy bay có thể chạm trần trong khoảng một phút. Bán kính chiến đấu của MiG-29K là 850 với chỉ nhiên liệu bên trong và 1.300 km khi mang thùng dầu phụ bên ngoài, máy bay có thể tiếp dầu trên không.
Chiến đấu cơ MiG-29K nhẹ hơn nhưng có phần khung thân được gia cố so với MiG-29 để có thể cất hạ cánh trên tàu sân bay. Chiếc tiêm kích này cũng có diện tích cánh lớn hơn, đi kèm hệ thống điều khiển bằng dây tiên tiến.
Dòng máy bay chiến đấu hải quân này dĩ nhiên có thể cất - hạ cánh từ tàu sân bay cả ngày lẫn đêm và trong mọi thời tiết, ngay cả trong khí hậu nhiệt đới, có nhiều loại vật liệu khác nhau để phủ máy bay nhằm bảo vệ nó khỏi sự ăn mòn của nước muối.
Radar Zhuk-ME của Tập đoàn Phazotron-NIIR trên MiG-29K có thể phát hiện và theo dõi 15 mục tiêu, cho phép bắn 5 tên lửa vào 4 đối tượng riêng biệt một lúc. Radar bám bắt được cả mục tiêu mặt đất. Phi công có màn hình hiển thị trên mũ bảo hiểm và 3 màn hình màu khác.
MiG-29K có thể bắn tên lửa không đối không, chống hạm, không đối đất và chống radar. Nó có khả năng thả bom dẫn đường bằng laser, xét về tính năng kỹ chiến thuật cơ bản, đây là một tiêm kích hạm thế hệ 4+ đúng nghĩa.
MiG-29K hạ cánh trên tàu sân bay lần đầu tiên vào năm 1988, chương trình đã bị trì hoãn sau sự tan rã của Liên Xô nhưng không bị bỏ rơi. Hải quân Ấn Độ bắt đầu quan tâm đến chiếc máy bay và trở thành cứu cánh đối với nó.
Hải quân Ấn Độ muốn có hệ thống radar và điều khiển bay bằng dây được cập nhật, cùng với một buồng lái hiện đại. Họ có đơn đặt hàng 45 chiếc MiG-29K, hợp đồng hiện tại đã được hoàn thành.
Nga đã đặt hàng 20 máy bay chiến đấu hải quân MiG-29K vào năm 2015 để thay thế Su-33 trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, tuy nhiên nó chưa thể chứng tỏ đầy đủ khả năng của mình do chiếc hàng không mẫu hạm nói trên đã quá cũ.
MiG-29K có thể xem như "anh hùng không gặp thời", ngoài việc không có cơ hội thể hiện tại Nga, nó còn đang bị Ấn Độ "thất sủng" sau khi New Delhi muốn có những tàu sân bay mới trang bị máy phóng điện từ.
Trước tham vọng trên, Hải quân Ấn Độ muốn sử dụng tiêm kích phương Tây như Rafale-M hay F/A-18E/F Super Hornet cho những hàng không mẫu hạm tối tân của mình, vị trí của MiG-29K khi đó chỉ còn là "kép phụ".
Không chỉ có vậy, tỷ lệ tai nạn của MiG-29K khi vận hành là rất cao, một phần do thao tác của Ấn Độ chưa thực sự chuyên nghiệp, nhưng rõ ràng danh tiếng của chiếc tiêm kích hạm này bị ảnh hưởng ít nhiều.
Trước diễn biến trên, việc Hải quân Nga cho MiG-29K chính thức "thử lửa" tại chiến trường Ukraine được xem là khá mạo hiểm, có thể mang lại sức sống mới cho chiếc tiêm kích nếu nó có màn thể hiện thành công, hoặc trở thành thảm họa khi chẳng may bị bắn rơi.
Bạch Dương