Tiêm kích tàng hình J-20 ra đời và đi vào biên chế đã nâng tầm cho Trung Quốc cả về năng lực tác chiến lẫn công nghệ kỹ thuật quân sự.
Trung Quốc đã vươn lên đứng hàng thứ hai, chỉ đứng sau Mỹ về quốc gia có tiêm kích tàng hình trực chiến.
Trong báo cáo "Cân bằng quốc phòng 2023" mới được Viện Quốc tế Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) công bố vào tuần trước, các chuyên gia quân sự đã đưa ra những đánh giá liên quan tới quá trình mở rộng phi đội tiêm kích J-20 của Trung Quốc.
"Mỹ có hơn 180 tiêm kích F-22 trước khi dây chuyền sản xuất loại máy bay này bị đóng cửa vào năm 2012", Tiến sĩ John Chipman - Giám đốc IISS nhận định.
"Trong khi đó, Trung Quốc đang có khoảng 150 tiêm kích J-20 trong kho, nếu việc sản xuất diễn ra với tốc độ hiện tại, phi đội J-20 sẽ vượt qua F-22 về quy mô ngay cuối năm nay", Tiến sĩ John Chipman nói tiếp
Vẫn theo tiến sĩ Chipman, không quân Mỹ đã dồn nguồn lực sản xuất sang F-35, bởi loại máy bay chiến đấu thế hệ 5 này dù bị đánh giá kém hơn F-22 về hiệu suất chiến đấu, nhưng có lại giá thành hợp lý hơn.
Hiện Washington đang sở hữu khoảng 360 chiếc F-35 và đang nỗ lực tăng số lượng trong thời gian tới.
Việc Bắc Kinh mở rộng dây chuyền sản xuất J-20 từ tháng 11/2022 như vậy rõ ràng có thể giúp không quân Trung Quốc vượt qua số lượng F-22 Mỹ trong tương lai gần.
Dù vậy các chuyên gia cho rằng, xét về chất thì có lẽ nghành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc sẽ còn phải cố gắng nhiều.
Trong khi F-22 là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 đầu tiên đã đi vào thực chiến để kiểm tra tính năng chiến đấu thì J-20 lại từng chưa kinh qua trận mạc.
Mấu chốt về động cơ nội địa đủ hiệu suất lực đẩy và hoạt động ổn định cho dòng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 vẫn là yếu điểm của Trung Quốc.
Phần nhiều trong tổng số khoảng 150 chiếc J-20 hiện tại là sử dụng động cơ được mua từ Nga.
Ngay cả giới tướng lĩnh không quân Trung Quốc vẫn mong muốn được trang bị động cơ Nga dù nó chỉ là động cơ tiêm kích 4.5, thay vì động cơ nội địa vốn chưa hoạt động ổn định.
Không ít lần truyền thông Trung Quốc nhiều lần khẳng định, J-20 vượt qua Su-57 Nga và ngang bằng F-22 của Mỹ về hiệu năng chiến đấu.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng, điều này khó xảy ra, ngay cả khi J-20 muốn vượt Su-57 của Nga, dù rằng chiến đấu cơ thế hệ 5 của Moscow cũng gặp vấn đề về động cơ.
Lịch sử cho thấy, nhiều dòng vũ khí của Trung Quốc dù được quảng bá có tính năng chiến đấu tốt trong khi giá cả phải chăng, nhưng khi thực chiến hoặc cho thử nghiệm các bài đánh giá khắc nghiệt thì phần lớn chúng đã không vượt qua.
Trong khi đó, máy bay chiến đấu là dòng vũ khí công nghệ cao, Trung Quốc mới chỉ thoát biệt danh "dịch mã ngược" tức sao chép trong mấy thập niên gần đây.
Trước đó đa phần chiến đấu cơ do Trung Quốc phát triển đểu có hơi hướng giống ít nhiều các loại chiến đấu cơ từ Nga.
Thậm chí tiêm kích J-11, J-15, J-16 còn bị cáo buộc sao chép từ Su-27, Su-33 và Su-30MK của Nga.
Bản thân tiêm kích tàng hình J-20 cũng có nhiều nét tương đồng với tiêm kích F-22, F-35 của Mỹ và MiG-144.
Không thể phủ nhận J-20 là bước nhảy vọt về công nghệ chế tạo chiến đấu cơ của Trung Quốc.
Tuy nhiên để đánh giá dòng chiến đấu cơ J-20 này có hiệu năng vượt các sản phẩm cùng loại của Mỹ và Nga thì cần thời gian với màn thực chiến để chứng minh.