Tiêm kích MiG-29 Fulcrum của Ukraine là phiên bản cũ kỹ và đã lạc hậu ra đời từ thập niên 1980, chúng rõ ràng không phải đối thủ của những chiếc Su-35 Flanker-E tối tân đang được lực lượng hàng không vụ trụ Nga sử dụng.
Ngay từ đầu cuộc chiến, các sĩ quan quân đội, giới phi công quân sự cũng như nhiều chính trị gia Ukraine thường xuyên phàn nàn về ưu thế vượt trội của Không quân Nga so với họ.
Theo nhận định từ phía chính quyền Kyiv, các máy bay chiến đấu MiG-29 hiện có của Không quân Ukraine chưa đủ khả năng phát hiện, hoặc thậm chí là đuổi kịp tiêm kích Su-35 của Nga.
"Hãy tưởng tượng kịch bản MiG-29 và Su-35 gặp nhau trên bầu trời. Chúng tôi không nhìn thấy họ, nhưng đối phương lại thấy rõ chúng tôi. Chúng tôi không thể đuổi kịp họ, nhưng họ lại có thể", tờ báo Mỹ Washington Post dẫn lời một phi công cấp cao Ukraine đã nghỉ hưu.
Không quân Ukraine được kế thừa phiên bản lỗi thời của tiêm kích MiG-29 trong quá trình phân chia tài sản thừa kế từ Liên Xô, radar chiếc chiến đấu cơ này sử dụng công nghệ analogue có tầm trinh sát tối đa 64 km và cự ly tiêu diệt mục tiêu chỉ 32 km.
Trong khi đó radar mảng pha quét điện tử thụ động N035 Irbis ứng dụng công nghệ số hóa của tiêm kích Su-35 Nga có khả năng phát hiện mục tiêu dạng máy bay chiến đấu hạng nhẹ như MiG-29 cách xa tới 270 km.
Hệ thống điều khiển hỏa lực của Su-35 hoạt động song song với radar N035 có thể theo dõi tới 30 mục tiêu trên không, đồng thời dẫn đường cho tên lửa có đầu dò chủ động vào 8 mục tiêu nguy hiểm nhất.
Về khả năng cơ động, tiêm kích Ukraine trên lý thuyết có thể đuổi kịp chiến đấu cơ Nga, tốc độ tối đa của MiG-29 và Su-35 trong trường hợp được đảm bảo kỹ thuật là gần như nhau, ở mức Mach 2,35.
Nhưng cần lưu ý, tiêm kích MiG-29 Fulcrum của Ukraine là những "chiến binh rất cao tuổi", chúng không được bảo dưỡng thích hợp, điều này tất nhiên ảnh hưởng đến khả năng cơ động ở vận tốc lớn.
Chưa dừng lại đây, máy bay chiến đấu của lực lượng hàng không vũ trụ Nga không cần phải truy đuổi mục tiêu khi chúng được trang bị tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn, đôi khi được khai hỏa cách rất xa chiến tuyến.
Tình huống tác chiến thường quan sát thấy đó là một máy bay chiến đấu của Ukraine bay lên không trung và rơi vào tầm ngắm của máy bay AWACS A-50U, có khả năng bao quát vùng trời với bán kính lên tới 600 km.
Chiếc “radar bay” A-50U AWACS nói trên sẽ ngay lập tức truyền tọa độ mục tiêu cho một máy bay chiến đấu của lực lượng hàng không vũ trụ Nga đang làm nhiệm vụ gần đó.
Phi công tiêm kích Nga “từ phía sau chiến tuyến” sẽ phóng một tên lửa không đối không tầm xa, bắn hạ chiếc MiG-29 hoặc Su-27 của Không quân Ukraine từ cự ly 200 km hoặc lớn hơn nhiều.
Không quân Ukraine hy vọng sau khi tiếp nhận chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon và tên lửa không đối không tiên tiến AIM-120D AMRAAM, chênh lệch giữa hai bên sẽ được xóa nhòa, hay chí ít ưu thế tuyệt đối không còn thuộc về phía Nga như hiện nay.