Không quân Nga gần đây đã tiếp nhận lô tiêm kích MiG-31 Foxhound hiện đại hóa, chiếc máy bay chiến đấu hạng nặng có khả năng đạt tới tốc độ 3.000 km/h này đã hoạt động được 42 năm.
Do sản phẩm thay thế đối với chiếc tiêm kích đánh chặn tầm xa này dự kiến vẫn chưa xuất hiện trong tương lai gần, thực tế trên có thể mang lại thời hạn hoạt động rất dài cho MiG-31 Foxhound.
"Đây chính là tiêm kích đánh chặn thực sự cuối cùng và vẫn không thể thiếu đối với Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga. MiG-31 là máy bay chiến đấu có tốc độ nhanh nhất được sản xuất trong thời đại chúng ta".
"Được đưa vào sử dụng từ năm 1981, MiG-31 vẫn gây ấn tượng cho đến ngày nay với hiệu suất vượt trội, từ tốc độ leo cao cho đến trần bay tối đa", tờ báo chuyên ngành Flug Revue của Đức nhấn mạnh.
Hai động cơ phản lực D-30F6 cung cấp tổng lực đẩy 300 kN khi bật chế độ đốt sau. Điều này đủ để đạt tốc độ tối đa 3.000 km/h, cho phép MiG-31 cất cánh từ mặt đất lên độ cao hơn 24 km trong 2 phút, bất chấp chiếc máy bay nặng tới 46 tấn, gấp đôi Eurofighter Typhoon.
Cần nhấn mạnh, MiG-31 không thích hợp để cận chiến, nhiệm vụ của nó là tấn công kẻ thù từ cự ly an toàn. Để thực hiện điều đó, Foxhound được hỗ trợ bởi radar Zaslon mạnh mẽ và tên lửa không đối không tầm xa.
Ngoài ra với vai trò mới là phương tiện mang tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal, phiên bản MiG-31K và cả MiG-31I đã thực hiện nhiệm vụ tấn công được một thời gian và cho thấy chúng rất hiệu quả.
Sản phẩm kế nhiệm của MiG-31 theo thông báo là chiếc MiG-41 phải bay với tốc độ ít nhất Mach 4, được phát triển như một phần của chương trình PAK DP. Tuy nhiên "khó có khả năng" nó sẽ được tạo ra trong tương lai gần.
"Vì vậy lâu nay vẫn chưa có thảo luận nào về việc loại bỏ MiG-31 khỏi biên chế trước cuối thập kỷ này. Tuổi thọ của máy bay thực tế là rất dài nhờ khung thân được làm chủ yếu bằng thép niken và titan", tờ báo Đức nói thêm.
Như đã giải thích, chỉ những bộ phận bị hao mòn thường xuyên được thay thế định kỳ, khiến độ bền khung thân ít bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, nhà máy động cơ Perm sẵn sàng cung cấp "trái tim" mới cho máy bay.
"Tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31 Foxhound có thể bay ít nhất tới năm 2060", tờ báo Đức đánh giá tiềm năng của chiếc chiến đấu cơ chủ lực trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.
Nhưng để phục vụ tốt hơn trong thời gian tới, dự báo MiG-31 sẽ phải trải qua một số nâng cấp cần thiết, điển hình như thay thế radar mảng pha quét thụ động Zaslon-M hiện nay bằng loại quét chủ động.
Dự án trên đã được lên kế hoạch từ lâu nhưng chưa thể thực hiện, lý do đáng ngạc nhiên là bởi radar cũ có trọng lượng rất nặng, bởi vậy khi thay khí tài kỹ thuật số mới vào sẽ gây ra mất cân bằng nghiêm trọng cho phần mũi.
Một phương án khác được đề cập tới là mở rộng phần mũi của máy bay để tiếp nhận radar lớn hơn, điều này nếu có thể thực hiện sẽ nâng cao đáng kể năng lực chiến đấu của chiếc tiêm kích cổ điển nhưng vẫn còn rất mạnh mẽ.