Trong những năm tới, Không quân Nga sẽ nhận được một lô lớn tiêm kích MiG-35 hiện đại hóa, người đứng đầu Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) - ông Yuri Slyusar cho biết.
Nhận xét của ông Slusar được đưa ra bên lề Triển lãm Aero India 2023 tổ chức tại thành phố Bangalore của Ấn Độ. Tuy nhiên người đứng đầu UAC nhấn mạnh rằng vào năm 2023, việc chuyển giao thêm MiG-35 cho Không quân Nga là chưa chắc chắn.
MiG-35 là phiên bản hoàn thiện nhất của gia đình chiến đấu cơ MiG-29 Fulcrum ra đời từ thời Liên Xô, mặc dù vậy nó chưa lặp lại được thành công của những "người tiền nhiệm".
Nhiều khả năng, một số chiếc MiG-35 dự kiến chuyển giao cho Bộ Quốc phòng sẽ được dành cho Hải quân Nga trong năm nay. Những máy bay MiG-35 hiện đại hóa đầu tiên dự kiến sẽ trở thành một phần của Không quân Nga vào năm tới.
Không chỉ có vậy, MiG-35 còn có khả năng được chế tạo với phiên bản hải quân, tức là nó sẽ thay thế chiến đấu cơ MiG-29K/KUB hoạt động trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.
Theo báo chí Nga, việc hiện đại hóa MiG-35 sẽ chủ yếu liên quan đến các thiết bị điện tử trên máy bay còn khung thân hay động cơ vẫn giữ nguyên theo thiết kế cũ.
Nguồn tin từ Mikoyan tiết lộ, hệ thống điện tử hàng không mới và một số khí tài dành cho bản cập nhật của MiG-35 sẽ được thống nhất với thiết bị trên tiêm kích hạng nặng mới nhất Su-30SM2 và Su- 35SM.
Mikoyan đã tiến hành thống nhất các thiết bị trên máy bay sau khi hai nhà chế tạo Sukhoi và MiG sáp nhập. Giới phân tích cho rằng UAC đã tích cực làm việc theo hướng này trong vài năm qua.
Bên lề triển lãm hàng không vũ trụ Aero India 2023, như một phần của gói thầu cung cấp 114 tiêm kích hạng nhẹ cho Ấn Độ, UAC đã đề nghị phía New Delhi lắp ráp các máy bay chiến đấu dựa trên MiG-35 tại Nhà máy HAL.
Trước đó, ông Vladimir Drozhzhov - Phó Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật - Quân sự Liên bang Nga cho biết, UAC đã mong muốn Ấn Độ chọn MiG-35 làm tiêm kích tương lai của không quân nước này.
MiG-35 Fulcrum-F không phải là máy bay chiến đấu thông thường. Có vẻ như cả chính phủ Nga và giới truyền thông sở tại đều ít chú ý đến nó, điều này dẫn đến việc không có đơn đặt hàng.
Trong quá khứ, Ai Cập bắt đầu quan tâm đến chiếc máy bay chiến đấu này, nhưng sau đó Cairo lại mua MiG-29M. Không chỉ có vậy, MiG-35 từng thất bại tại Ấn Độ trong quá khứ, trước khi gói thầu được làm lại từ đầu.
Các đối thủ cạnh tranh bao gồm F-16, F/A-18, Eurofighter Typhoon và JAS 39 Gripen gây sức ép lớn lên MiG-35, nhưng việc tiêm kích Nga bị "hờ hững" đơn giản vì nó chưa thể hiện được "sự vượt trội" của mình.
Ý tưởng ban đầu là Không quân Nga sẽ mua khoảng 40 tiêm kích MiG-35, khi chiếc Fulcrum-F thể hiện nhiều triển vọng lúc ra mắt vào năm 2005.
Năm 2016, MiG-35 đã bay lần đầu tiên và không giống như các máy bay khác của Nga, những bài thử nghiệm và đánh giá cấp nhà nước đã kết thúc mà không phát sinh sự cố nào.
Tất cả điều này dẫn đến kết luận rằng Không quân Nga sẽ đặt hàng với số lượng lớn. Sau đó, các đối tác nước ngoài sẽ mua nó. Nhưng Moskva đã bỏ lỡ cơ hội thể hiện MiG-35 ở khía cạnh thông thường như họ quảng cáo đó là siêu cơ động, siêu nguy hiểm và siêu nhẹ.
Mặt khác theo phong cách điển hình của Nga, Moskva cho thấy họ đang từ bỏ MiG-35 và tập trung vào sản xuất Su-57 Felon và Su-75 Checkmate - hai tiêm kích có tính năng cao hơn nhiều.
Cần nhấn mạnh, MiG-35 có thể theo dõi tới 30 mục tiêu và tấn công 6 đối tượng cùng lúc. Chiếc tiêm kích này được báo chí Mỹ mô tả là một "sức mạnh trí tuệ".
Điều này nghĩa là MiG-35 có thể dễ dàng tích hợp và hoạt động tự chủ với các nền tảng máy bay chiến đấu khác của Không quân Nga, kể cả đó là tiêm kích thế hệ 4 hay thế hệ 5.
MiG-35 là tiêm kích Nga đầu tiên sử dụng radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA). Điều này mang lại cho nó một lợi thế rất lớn trong việc kiểm soát hỏa lực và sát thương.
Chiếc chiến đấu cơ này đạt tốc độ tối đa Mach 2,25, trần bay 18 km, khung thân được thiết kế để chịu được tải trọng 9G ở giới hạn dương và 3G ở giới hạn âm. MiG-35 sử dụng 2 động cơ phản lực cánh quạt Klimov RD-33MK có khả năng kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều.
Ngoài không chiến, chiếc tiêm kích này hoàn toàn phù hợp cho vai trò yểm trợ hỏa lực, có thể trực tiếp chống lại xe tăng, bộ binh, tàu chiến của đối phương.
MiG-35 mang được bom dẫn đường, tên lửa không đối không, không đối đất và một khẩu pháo 30 mm có tính sát thương cao. Máy bay có thiết bị tác chiến điện tử đi kèm, khiến nó cực kỳ thích hợp để tấn công các hệ thống phòng không của đối phương.
Các chuyên gia phương Tây đánh giá khả năng cơ động của MiG-35 ở mức “A”. Máy bay chiến đấu này siêu cơ động, có thể thực hiện nhiệm vụ ở các góc tấn công siêu tới hạn mà không gặp bất kỳ sự cố nào.