Chiến đấu cơ thế hệ thứ năm Su-57 Felon, máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 Fullback, tiêm kích MiG-35 Fulcrum-F cùng Su-35 Flanker-E đã có mặt tại Triển lãm Hàng không Trung Quốc - Zhuhai Air Show 2022.
Mặc dù nhiều phương tiện truyền thông đang chú ý đến sự hiện diện của Su-57, nhưng MiG-35 mới là loại máy bay chiến đấu làm phát sinh nhiều câu hỏi về sự hiện diện của nó.
MiG-35 là một dự án không thực sự thành công của Nga. Phần lớn lý do cho việc này nằm ở Điện Kremlin. Nhiều năm trước, họ đã quyết định chuyển nguồn lực tài chính và kỹ thuật cho chương trình Su-57.
MiG-35 Fulcrum-F đã bay vào năm 2016, không giống như các máy bay chiến đấu khác do Nga phát triển, nó không bị một tai nạn hay phát sinh khiếm khuyết nào, vì vậy Nga rất mong đợi các đơn đặt hàng trong bối cảnh các cuộc thử nghiệm cho kết quả tích cực.
Tuy nhiên điều này không diễn ra, MiG-35 đã bị thua tại Ai Cập và Ấn Độ trước những đối thủ đến từ phương Tây. Mặc dù Bộ Quốc phòng Nga sau đó quyết định đặt hàng, nhưng thật bất ngờ đối với mọi người, họ chỉ yêu cầu 40 chiếc.
Các đặc điểm của MiG-35 thực sự ấn tượng, nhiều chuyên gia phương Tây đã cho nó điểm A+ về khả năng siêu cơ động. Một số nhà phân tích ở Mỹ gọi MiG-35 là “sức mạnh não bộ” vì nó được phát triển để tích hợp và tự chủ hoàn toàn với các máy bay chiến đấu khác của Nga.
Một tính năng khác biệt của MiG-35 là radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA). Ngoài tiêm kích tàng hình Su-57, MiG-35 là máy bay chiến đấu khác của Nga được trang bị khí tài tiên tiến nói trên.
Radar AESA phân phối thông tin nhận được trên toàn bộ khu vực của mảng, thay vì tập trung tại một điểm như hiện nay - trường hợp với radar PESA. Chính nhờ radar mà hệ thống điện tử hàng không của MiG-35 hoạt động hiệu quả hơn cả.
MiG-35 có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2,25, trần bay 18 km và khung thân được thiết kế để chịu quá tải 9G trong giới hạn dương và 3G trong giới hạn âm. MiG-35 có 2 động cơ phản lực cánh quạt đốt sau Klimov RD-33MK với khả năng điều chỉnh hướng phụt.
Các chuyên gia ở cả phương Đông và phương Tây (trừ Nga) đều nói rằng ngày nay nếu Không quân Nga có MiG-35 thì họ sẽ thành công hơn nhiều ở Ukraine. Chiếc máy bay chiến đấu này lý tưởng để nhắm mục tiêu trực tiếp vào xe tăng, tàu chiến và pháo hạng nặng.
MiG-35 được trang bị bom có và không điều khiển, tên lửa không đối không, không đối đất và một khẩu pháo 30 mm mạnh mẽ. MiG-35 được tích hợp hệ thống tác chiến điện tử tối tân, khiến nó rất phù hợp để tấn công hệ thống phòng không của đối phương.
Đó là lý do tại sao sự hiện diện của MiG-35 gây ý chú ý tại triển lãm Trung Quốc. Nga phải tìm được một khách hàng nước ngoài để hồi sinh dự án MiG-35, nếu không nguồn tài chính sẽ tiếp tục dồn vào Su-57.
Thậm chí nguồn lực dành cho MiG-35 còn có thể trở nên hạn hẹp hơn nếu Nga quyết tâm hoàn thiện tiêm kích tàng hình hạng nhẹ thế hệ năm mới nhất của mình - chiếc Su-75 Checkmate.
Nhưng ngay tại Triển lãm Zhuhai Air Show 2022, cơ hội để MiG-35 kiếm được hợp đồng xuất khẩu đầu tiên là không lớn, khi tiêm kích hạng nhẹ của nước chủ nhà - chiếc J-10C vẫn được đánh giá cao hơn rất nhiều.
Bạch Dương