Chi tiết về vụ phóng tên lửa không đối không của tiêm kích Nga và suýt trúng vào một máy bay trinh sát Anh trên bầu trời Biển Đen diễn ra hồi cuối tháng 9/2022 đã được công bố mới đây.
Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh - ông Ben Wallace thông báo, vào ngày 29/9/2022, một sự cố cực kỳ nguy hiểm đã xảy ra trên vùng trời Biển Đen, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và dẫn đến xung đột vũ trang toàn diện giữa Nga và NATO.
Theo thông tin được ông Wallace đưa ra , một chiến đấu cơ của Nga đã bắn tên lửa gần một máy bay trinh sát của Anh khi nó đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên vùng trời biển Biển Đen.
Hãng tin Reuters đưa tin: “Vào ngày 29/9/2022, tiêm kích của Nga đã bắn một tên lửa gần máy bay trinh sát không vũ trang của Anh đang tuần tra không phận quốc tế trên Biển Đen, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nhấn mạnh".
Có thông tin cho rằng vụ phóng không dẫn đến tình trạng khẩn cấp, trong khi có những dấu hiệu cho thấy rõ việc máy bay chiến đấu Nga phóng tên lửa đơn giản chỉ là một tai nạn ngoài ý muốn.
Nhận định trên được đánh giá là có cơ sở, không phải phía Anh cố tình giảm nhẹ sự việc nhằm tránh xung đột, bởi vì nếu thực sự tiêm kích Nga cố tình phóng tên lửa thì nó sẽ phải khóa mục tiêu và máy bay Anh chẳng thể nào thoát nạn.
“Đây là một vụ tai nạn rõ ràng, và không phải là một hành động gây leo thang căng thẳng có chủ ý với nguy cơ gây ra xung đột toàn diện giữa Nga và Anh nói riêng cũng như liên minh quân sự NATO nói chung".
"Anh đã lên án Nga về tình hình xung đột Ukraine và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moskva, đồng thời hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Kyiv, trong khi quan hệ giữa Moskva và London đang ở mức thấp lịch sử".
"Bộ trưởng Wallace nói với Quốc hội rằng ông đã bày tỏ quan ngại của chính phủ Anh về vụ việc trong cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, và đáp lại, phía Nga ngày 10/10/2022 cho biết họ đã điều tra và khẳng định vụ việc là do trục trặc kỹ thuật".
“Chúng tôi không coi đây là một hành động leo thang có chủ ý của người Nga, phân tích của Bộ Quốc phòng xác nhận rằng đó đơn giản là một trục trặc kỹ thuật đáng tiếc".
"Tuy nhiên đây là một lời nhắc nhở về những điều nguy hiểm có thể xảy ra khi bạn quyết định sử dụng máy bay chiến đấu của mình theo cách mà người Nga đã làm từ trước đến nay”, ông Wallace nói trước Quốc hội Anh.
Cần lưu ý rằng cách đây vài ngày, một máy bay do thám của Quân đội Anh cũng đã được nhìn thấy trên vùng trời Biển Đen. Tuy nhiên, nó đã được hộ tống cùng với hai máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon của Không lực Hoàng gia Anh.
Đây là lần đầu tiên trinh sát cơ của Anh có tiêm kích hộ tống được quan sát thấy kể từ tháng 2 năm nay, khi các máy bay chiến đấu nước ngoài ngừng tiếp cận biên giới Nga do lo ngại sự leo thang nghiêm trọng.
Chưa biết những chuyến bay trinh sát của Anh được tiêm kích nước này hộ tống sẽ kéo dài trong bao lâu và phía Nga sẽ đáp trả hành động trên bằng những biện pháp cụ thể nào.
Bạch Dương