Tiêm kích Rafale, Su-30MKI của Ấn Độ áp sát biên giới Pakistan

Ngày 7/5, không quân Ấn Độ đã tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn tại bang Rajasthan, khu vực sa mạc nằm sát biên giới Pakistan.

Cuộc tập trận kéo dài 3 ngày, với sự tham gia của các tiêm kích hiện đại Rafale và Su-30MKI, trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng sau vụ tấn công tồi tệ ở Pahalgam khiến 26 dân thường thiệt mạng hồi tháng 4.

Chiến đấu cơ Rafale của Pháp. (Nguồn: X)

Chiến đấu cơ Rafale của Pháp. (Nguồn: X)

Cuộc tập trận diễn ra trong vùng không phận hạn chế và được xem là màn phô diễn năng lực không quân toàn diện, thể hiện khả năng tích hợp hiệu quả các dòng chiến đấu cơ có xuất xứ từ cả phương Tây lẫn Nga. Đây cũng là lời cảnh báo rõ ràng gửi đến các đối thủ trong khu vực.

Trình diễn sức mạnh không quân ở tuyến đầu

Các bài diễn tập bao gồm mô phỏng không chiến, tấn công chính xác vào mục tiêu mặt đất và phối hợp tác chiến giữa các nền tảng khác nhau. Đáng chú ý, sự phối hợp giữa Rafale và Su-30MKI cho thấy năng lực phối hợp hiệp đồng trong môi trường tác chiến hiện đại.

Rafale là tiêm kích đa nhiệm thế hệ 4,5 do Pháp sản xuất, nổi bật với khả năng linh hoạt, hệ thống radar mảng pha điện tử tiên tiến và khả năng mang tên lửa không đối không tầm xa Meteor (hơn 240 km) cùng tên lửa hành trình SCALP (tầm bắn 560 km). Kể từ năm 2019, Ấn Độ đã biên chế 36 chiếc Rafale, triển khai tại các căn cứ chiến lược gần Pakistan và Trung Quốc.

Trong khi đó, Su-30MKI là tiêm kích hạng nặng hai chỗ ngồi, do Nga thiết kế và được tùy chỉnh bởi Ấn Độ. Với khả năng mang theo tới 8 tấn vũ khí và tầm bay xa, Su-30MKI đảm nhiệm các nhiệm vụ tấn công sâu, chiếm ưu thế trên không và tấn công hải quân.

Loại máy bay này có thể thực hiện các động tác cơ động đặc biệt như "Cobra Pugachev" và hiện chiếm phần lớn lực lượng chiến đấu chủ lực của không quân Ấn Độ với hơn 260 chiếc đang hoạt động.

Tích hợp công nghệ giữa Đông và Tây

Khả năng vận hành đồng thời Rafale và Su-30MKI là thách thức kỹ thuật đáng kể, nhưng cũng là bước tiến lớn của Kkhông quân Ấn Độ trong việc tích hợp đội bay đa dạng. Trong các tình huống tác chiến mô phỏng, Su-30MKI đảm nhiệm vai trò mang tải trọng lớn và tấn công tầm xa, trong khi Rafale đóng vai trò yểm trợ, tấn công chính xác và dẫn đường mục tiêu.

Sự kết hợp này được hỗ trợ bởi máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không Netra của Ấn Độ, cung cấp dữ liệu thời gian thực và tăng cường khả năng chia sẻ thông tin giữa các nền tảng công nghệ khác nhau.

Các cuộc tập trận cũng bao gồm kịch bản tác chiến điện tử, phòng không đối kháng và đánh giá khả năng ứng phó trong môi trường xung đột phức tạp.

Cuộc tập trận lần này được tổ chức chỉ vài tuần sau vụ tấn công ở Pahalgam (22/4), do một nhóm vũ trang có liên hệ với tổ chức Lashkar-e-Taiba tại Pakistan nhận trách nhiệm. Chính phủ Ấn Độ cáo buộc các thế lực bên ngoài đứng sau vụ việc và tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng.

Trước đó, New Delhi đã đình chỉ Hiệp ước chia sẻ nguồn nước sông Indus và đóng cửa cửa khẩu Attari, hai động thái phản ứng mạnh mẽ hiếm thấy trong quan hệ song phương.

Pakistan cũng phô diễn năng lực quân sự

Không quân Pakistan đồng thời tiến hành các cuộc tập trận riêng, triển khai tiêm kích JF-17 Thunder và F-16. JF-17 là máy bay chiến đấu hạng nhẹ do Pakistan hợp tác với Trung Quốc sản xuất, trong khi F-16 là nền tảng do Mỹ cung cấp và hiện là tiêm kích hiện đại nhất trong biên chế Pakistan.

Tuy nhiên, số lượng F-16 hiện có của Pakistan chỉ khoảng 80 chiếc, phần lớn là phiên bản cũ, khiến hiệu quả tác chiến bị hạn chế so với lực lượng hiện đại hơn của Ấn Độ. Trong khi đó, Pakistan được cho là tăng cường thiết bị radar và tác chiến điện tử gần biên giới, thể hiện chiến lược phòng thủ bất đối xứng nhằm đối phó với lợi thế công nghệ và quy mô của Ấn Độ.

Bối cảnh cạnh tranh quân sự rộng lớn hơn

Tình hình hiện tại là phần tiếp nối của căng thẳng kéo dài giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Kể từ năm 1947, Ấn Độ và Pakistan đã trải qua ba cuộc chiến tranh lớn, trong đó sức mạnh không quân đóng vai trò then chốt.

Cuộc không kích Balakot năm 2019 là một ví dụ gần đây, khi tiêm kích Mirage 2000 của Ấn Độ tấn công một trại huấn luyện ở Pakistan, dẫn đến màn không chiến dữ dội với sự tham gia của F-16 và MiG-21.

Hiện nay, không quân Ấn Độ được xếp thứ tư thế giới với hơn 2.200 máy bay, trong đó có hơn 500 tiêm kích. Ngoài Rafale và Su-30MKI, lực lượng này còn có Mirage 2000, tiêm kích Tejas nội địa và 6 máy bay tiếp nhiên liệu, giúp nâng cao khả năng hoạt động tầm xa. Trong khi đó, Pakistan sở hữu khoảng 1.400 máy bay, trong đó có hơn 320 tiêm kích.

Ấn Độ cũng đầu tư mạnh vào các hệ thống phòng không như S-400 của Nga, có thể tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách 400 km, tăng cường năng lực phòng thủ khu vực trọng yếu.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tiem-kich-rafale-su-30mki-cua-an-do-ap-sat-bien-gioi-pakistan-169250507081252516.htm