Ấn Độ - Pakistan trước nguy cơ xung đột toàn diện
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan lại một lần nữa bùng phát dữ dội. Rạng sáng 7/5, New Delhi đã phát động chiến dịch không kích mang tên 'Chiến dịch Sindoor' nhằm vào các mục tiêu được cho là 'trại huấn luyện khủng bố' ở Pakistan.
Islamabad lập tức đáp trả bằng hỏa lực pháo binh và tuyên bố bắn rơi nhiều máy bay Ấn Độ. Trong vòng chưa đầy 24 giờ, biên giới hai nước chứng kiến những trận đấu súng khốc liệt nhất kể từ sau vụ tấn công Pulwama năm 2019.
Dân thường bị kẹt giữa hai làn đạn, trong khi cộng đồng quốc tế ra sức kêu gọi kiềm chế. Liệu căng thẳng lần này có đẩy Ấn Độ - Pakistan vào một vòng xoáy nguy hiểm mới như từng thấy trong quá khứ?
Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, không quân nước này đã tiến hành loạt không kích vào 9 mục tiêu tại Pakistan và khu vực Kashmir do Islamabad kiểm soát. Ấn Độ khẳng định đây chỉ là “phản ứng chính xác và kiềm chế” nhắm vào “các trại khủng bố” được cho là có liên quan đến vụ đánh bom tại Pahalgam khiến 25 người Ấn Độ và một công dân Nepal thiệt mạng hồi tháng trước. New Delhi cáo buộc Islamabad dung dưỡng cho các nhóm khủng bố.
Quân đội Pakistan tuyên bố đã bắn rơi 5 tiêm kích và 1 máy bay không người lái của Ấn Độ, phá hủy một sở chỉ huy lữ đoàn bộ binh và bắt giữ một số binh sĩ. Đụng độ pháo binh nổ ra dọc Đường Kiểm soát (LoC), ranh giới tranh chấp giữa hai nước ở khu vực Kashmir.
Islamabad cho biết nhiều khu dân cư bị trúng pháo, khiến ít nhất 31 dân thường thiệt mạng, 46 người bị thương. Trong khi đó, hãng tin Reuters trích dẫn một số nguồn thạo tin tiết lộ, cuộc pháo kích của quân đội Pakistan qua biên giới ở Kashmir đã cướp đi sinh mạng của 7 người và 35 người khác bị thương ở các khu vực do Ấn Độ kiểm soát.
Tỉnh Punjab của Pakistan đã ban bố tình trạng khẩn cấp, đặt các bệnh viện và lực lượng an ninh vào tình trạng báo động cao. Tại Muzaffarabad – thủ phủ vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát – nhiều khu vực bị mất điện sau các đợt pháo kích. Các trường học tại bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ cũng đã đóng cửa phòng ngừa rủi ro an ninh.
Giao thông hàng không cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ấn Độ đóng cửa một số sân bay quân sự và dân sự, các hãng hàng không như Indigo và SpiceJet hủy nhiều chuyến bay. Air India chuyển hướng các tuyến quốc tế đi qua vùng nguy hiểm. Qatar Airways và một số hãng nước ngoài tạm ngừng bay đến Pakistan. Hãng Hàng không Quốc tế Pakistan (PIA) phải điều hướng nhiều chuyến bay về Karachi.
Trước diễn biến nghiêm trọng, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ “vô cùng quan ngại”, khẳng định thế giới không thể chịu đựng một cuộc đối đầu quân sự mới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng kêu gọi chấm dứt căng thẳng. Trong khi đó, Iran và Saudi Arabia đang thúc đẩy các nỗ lực trung gian, mở kênh đối thoại kín giữa hai bên.
Giới quan sát cho rằng tình hình hiện nay đang ở mức báo động đỏ. Với tiền lệ “ăn miếng trả miếng” kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai quốc gia, mọi hành động quân sự đều có nguy cơ dẫn đến xung đột toàn diện, thậm chí vượt ngoài tầm kiểm soát. Cả Ấn Độ và Pakistan đều sở hữu kho vũ khí hạt nhân, và bất kỳ cuộc chiến nào nổ ra sẽ không chỉ hủy hoại hai quốc gia mà còn đe dọa hòa bình khu vực và toàn cầu.
Lần gần nhất Ấn Độ thực hiện các cuộc không kích qua biên giới Pakistan là vào năm 2019, nhằm vào địa điểm mà nước này mô tả là trại huấn luyện khủng bố ở Balakot sau khi các phiến quân giết chết 40 binh sĩ Ấn Độ. Vòng giao tranh lần này có thể khó kiểm soát hơn vì có nhiều địa điểm bị nhắm tới bên trong Pakistan.
Hiện không quân Ấn Độ (IAF) được cho là đã triển khai hơn 300 máy bay chiến đấu – bao gồm Rafale, Mirage 2000 và Su-30 – tại các căn cứ gần biên giới. Các cuộc tập trận quy mô lớn được lên kế hoạch tại bang Rajasthan trong hai ngày 7 và 8/5, song song với các đợt diễn tập phòng thủ dân sự tại 244 quận biên giới.
Học sinh và thường dân tại nhiều khu vực ở Jammu và Kashmir đã tham gia vào các cuộc diễn tập khẩn cấp. Trong khi đó, không quân Pakistan (PAF) cũng đặt toàn bộ lực lượng vào tình trạng cảnh báo cao, sẵn sàng đáp trả bất kỳ “hành động phiêu lưu” nào từ phía Ấn Độ.
Dẫn cuối: Khi quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cùng rơi vào vòng xoáy quân sự, bi kịch lớn nhất có thể không nằm ở chiến thắng hay thất bại, mà là ở thiệt hại không thể cứu vãn cho dân thường, khu vực và cả thế giới. Với bối cảnh hiện tại, mọi hành động leo thang – dù chỉ mang tính biểu tượng – đều có thể châm ngòi cho một cuộc chiến không kiểm soát.
Sự can thiệp kịp thời và hiệu quả của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc và các tổ chức khu vực, sẽ là chìa khóa để kéo hai quốc gia khỏi bờ vực xung đột. Đối thoại – dù khó khăn – vẫn là lựa chọn duy nhất để tránh một thảm họa nhân đạo và địa chính trị đang hiển hiện rõ ràng hơn bao giờ hết.