Tiêm kích tàng hình hai phi công của Trung Quốc nguy hiểm đến mức nào?
Trung Quốc đang tiến gần hơn bao giờ hết tới việc đưa biến thể J-20S hai chỗ ngồi của tiêm kích tàng hình J-20 vào biên chế chiến đấu.
Theo TWZ, những hình ảnh mới xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy chiếc J-20S đã khoác lên mình màu sơn chiến đấu mới, tích hợp cảm biến quang-điện tử cải tiến và mang số hiệu 5 chữ số gắn với một đơn vị tác chiến tiền tuyến của không quân Trung Quốc (PLAAF).
Chiếc tiêm kích mang số hiệu này được cho là thuộc lữ đoàn không quân 172, dấu hiệu rõ ràng cho thấy J-20S đã chính thức bước vào giai đoạn trực chiến hoặc rất gần với điều đó. Đây được xem là một bước nhảy vọt, bởi chưa có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới sở hữu tiêm kích tàng hình hai chỗ ngồi.

Tiêm kích J-20S - Ảnh: TWZ
Đồn đoán về một biến thể hai chỗ ngồi của J-20 bắt đầu xuất hiện từ năm 2018. Đến tháng 10.2021, nguyên mẫu đầu tiên được ghi nhận chạy thử trên đường băng. Để nhường chỗ cho phi công phụ, phần thân trước của J-20S đã được thiết kế lại, bổ sung buồng lái thứ hai, cánh đuôi mở rộng và sử dụng động cơ nội địa WS-10C thay vì máy móc nhập khẩu từ Nga.
Kể từ chuyến bay đầu tiên vào tháng 11.2021, ít nhất 6 nguyên mẫu J-20S đã lộ diện, bản gần nhất được ghi nhận vào tháng 3.2024. Loạt nâng cấp trên các phiên bản mới cho thấy PLAAF đang tăng tốc hoàn thiện J-20S để sớm triển khai thực tế.
J-20S dùng để làm gì?
Không giống phương Tây, nơi chưa có tiêm kích tàng hình hai chỗ, Trung Quốc đang mở đường cho một khái niệm tác chiến mới. Ban đầu, giới phân tích cho rằng J-20S có thể đóng vai trò chế áp điện tử (EW), nhưng vị trí này hiện do J-16D đảm nhiệm.
Phân tích gần đây nghiêng về giả thuyết khác như phi công thứ hai trên J-20S sẽ điều khiển đội hình drone đi kèm, theo mô hình "loyal wingman" (đồng đội trung thành). Trong đó, các drone bay song hành với tiêm kích có người lái, hỗ trợ thâm nhập vùng không phận đối phương, tiêu diệt radar, mở đường hoặc làm mồi nhử. PLAAF cũng đã thử nghiệm ý tưởng này với tiêm kích J-16.
Mỹ cũng đang phát triển khái niệm tương tự với chương trình Collaborative Combat Aircraft (CCA), nhưng Trung Quốc đang là bên đầu tiên có nền tảng tiêm kích tàng hình 2 chỗ phục vụ trực tiếp cho mô hình này.

Một góc nhìn từ trên không khác cho thấy cấu hình mới nhất của J-20S, bao gồm lớp sơn màu tối - Ảnh: X
Cải tiến trên phiên bản mới
Hình ảnh gần đây cho thấy J-20S có một số điểm mới so với nguyên mẫu.
Radar mạnh hơn: Mũi máy bay được thiết kế lại để chứa loại radar quét mảng pha điện tử (AESA), nhiều khả năng là cùng loại với bản đơn J-20A. Một số nguồn tin đồn đoán radar này sử dụng công nghệ gallium nitride (GaN) giúp tăng công suất phát, giảm nhiệt và thu nhỏ kích thước.
Cảm biến quang-điện tử mới: Thiết bị dưới mũi J-20S có thiết kế giống hệ thống EOTS trên tiêm kích F-35 của Mỹ, cung cấp khả năng quan sát 360 độ. Đây là bước tiến đáng kể so với hệ thống EO đời cũ có tầm nhìn hẹp và tính năng hạn chế.
Sơn tàng hình mới: J-20S được sơn gần như toàn thân bằng màu xám đậm (gần như đen), trừ các cạnh điều khiển, viền ống hút khí và mũi radar. Màu sơn này có thể là một lớp phủ hấp thụ sóng radar mới, giúp tăng khả năng tàng hình.
Tổng thể, những nâng cấp này cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đưa J-20S vào sản xuất hàng loạt và biên chế chính thức.
Tương lai của J-20S
Việc phát triển J-20S thể hiện chiến lược dài hơi của Trung Quốc nhằm xây dựng một nền tảng máy bay tàng hình đa năng, có thể phối hợp drone, điện tử và tác chiến mạng, không chỉ đơn thuần là chiến đấu trên không.
Trong khi Mỹ đang đầu tư mạnh vào thế hệ tiêm kích thứ 6, thì J-20 vẫn là chương trình chủ lực và biểu tượng cho tham vọng thống trị không quân khu vực của Trung Quốc. Việc đưa J-20S vào biên chế sẽ mở rộng đáng kể khả năng chiến thuật của không quân, đặc biệt là trong môi trường xung đột hiện đại đòi hỏi tính kết nối và điều phối nhiều nền tảng.
Bên cạnh J-20, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy chương trình J-35, tiêm kích tàng hình thế hệ mới dành cho hải quân. Những hình ảnh gần đây cho thấy bản J-35 hạm tàu đã lắp móc hãm đà để hạ cánh trên tàu sân bay, đồng thời khoang chứa móc này được thiết kế gọn gàng và ít bị phát hiện, khác biệt với cấu trúc móc thô của F-35C Mỹ. Một chiếc J-35 cũng được phát hiện trong xưởng lắp ráp, vẫn còn sơn lót, cho thấy quá trình phát triển đang bước vào giai đoạn sản xuất thực tế.
J-20S hiện từng bước trở thành biểu tượng mới trong học thuyết không chiến của Trung Quốc. Đây không chỉ là một biến thể tiêm kích, mà là trung tâm điều phối UAV, nền tảng tàng hình chiến thuật và có thể là bước đệm cho thế hệ tiêm kích thứ 6.