Tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc biểu diễn tính năng vượt trội F-22, Su-57
Là sản phẩm phát triển sau cho nên tiêm kích tàng hình J-20 do Trung Quốc chế tạo có được một vài tính năng theo đánh giá là tiên tiến hơn đối thủ.
Không quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAAF) đang tổ chức một cuộc triển lãm rất đáng chú ý nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập tại thành phố Trường Xuân thuộc tỉnh Cát Lâm.
Tại sự kiện, PLAAF đã cho trưng bày nhiều loại vũ khí, khí tài, phương tiện tác chiến thế hệ mới như tiêm kích hạng nhẹ J-10C, chiến đấu cơ đa năng J-16 và đặc biệt là "ngôi sao" tiêm kích tàng hình J-20.
Các máy bay này một số được trưng bày dưới mặt đất cùng vũ khí của lính dù, trong khi số còn lại thực hiện bài bay biểu diễn trên không để "khoe" khả năng vận động cũng như tính năng kỹ chiến thuật.
Trong màn phô diễn sức mạnh của tiêm kích tàng hình J-20, chiếc chiến đấu cơ này đã thực hành thao tác đưa vũ khí từ trong khoang vào chế độ trực chiến đối với tên lửa không đối không tầm ngắn PL-10.
Nếu như không quan sát kỹ sẽ rất dễ nhầm lần chiếc J-20 trên đang ở chế độ "quái thú", đó là máy bay chấp nhận hy sinh khả năng tàng hình bằng cách treo tên lửa ở ngoài thân để mang được nhiều vũ khí hơn, bất chấp diện tích phản xạ radar tăng vọt.
Nhưng thực chất chiếc J-20 này hoàn toàn không ở chế độ trên và đây là một đặc tính ưu việt của thiết kế khoang vũ khí trên máy bay.
Đối với các chiến đấu cơ thế hệ 5 như F-22 Raptor, F-35 Lightning II hay Su-57, khi muốn triển khai tên lửa thì cửa khoang vũ khí sẽ phải mở ra và không có khả năng đóng lại khi tên lửa chưa được phóng hay lệnh chiến đấu chưa được hủy.
Tuy nhiên với chiếc J-20 thì lại khác, sau khi mở khoang vũ khí, nếu tên lửa chưa được phóng ngay thì quả đạn và giá treo sẽ được đưa ra bên ngoài và cánh cửa sẽ đóng lại, điều này cho phép máy bay vẫn thực hiện được thao tác vận động cần thiết. Trong trường hợp hủy phóng thì thao tác sẽ được thực hiện ngược lại và tên lửa sẽ được đưa vào trong.
Đây là tính năng rất độc đáo hiện chỉ có chiếc J-20 là được trang bị, có lẽ trong tương lai Nga, Mỹ hay nhiều quốc gia khác cũng phải học tập cơ cấu triển khai vũ khí này của Trung Quốc.