Bộ trưởng Quốc phòng Nga - Đại tướng Sergei Shoigu trên Kênh truyền hình Zvezda cho biết, tiêm kích tàng hình Su-57 đã có màn thể hiện rất xuất sắc trên chiến trường Ukraine.
Ông Shoigu nhấn mạnh rằng các khí tài phòng thủ tích hợp trên Su-57 giúp nó có thể tránh được hệ thống phòng không của đối phương. Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng ca ngợi "tính hữu dụng của vũ khí tấn công" trang bị cho máy bay
Tuyên bố của ông Shoigu được hỗ trợ bởi ngành nguồn công nghiệp quốc phòng Nga. Trong nhiều cuộc phỏng vấn, đại diện nhà sản xuất cũng cho biết, tiêm kích Su-57 đã "bắn tên lửa" vào các mục tiêu trên đất Ukraine từ cự ly xa.
Trên thực tế, không có bằng chứng nào cho thấy Nga sử dụng Su-57 trong cái gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" . Việc chứng minh những tuyên bố như vậy là khó, nhưng bác bỏ chúng cũng vậy.
Vũ khí trang bị của Su-57 tương tự Su-35. Tên lửa bắn từ xa vào các mục tiêu trong lãnh thổ Ukraine có thể được thực hiện bởi cả hai máy bay, nhưng rất khó để chứng minh chiếc tiêm kích nào đã thực hiện.
Hệ thống phòng không của Ukraine chủ yếu được tạo thành từ tổ hợp tên lửa do Liên Xô hoặc Nga thiết kế, và chúng đã tỏ ra lỗi thời. Việc đánh chặn tiêm kích Su-57 trên lãnh thổ Ukraine, cũng như “màn trình diễn xuất sắc” của máy bay đều là điều khó chứng minh.
Sự thật duy nhất được biết đến là Su-57 đã được thử nghiệm ở Syria. Điều này được chứng minh qua các bức ảnh vệ tinh cho thấy chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ năm này xuất hiện tại căn cứ không quân Hmeinin của Nga.
Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng rất ít có khả năng Không quân Nga sử dụng Su-57 trong cuộc chiến ở Ukraine. Hiện tại, Moskva có chưa đến 10 chiếc chiến đấu cơ này, trong đó phần lớn chỉ là mẫu thử T-50.
Cần nhắc lại, Su-57 được tuyên bố là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và là tiêm kích đầu tiên như vậy trong biên chế Không quân Nga, thiết kế của nó khác biệt hoàn toàn những sản phẩm ra đời từ thời Liên Xô.
Nguyên mẫu thử nghiệm của Su-57 được gọi là T-50. Trong giai đoạn 2010 - 2013, 5 chiếc T-50 đã vượt qua nhiều cuộc thử nghiệm khác nhau. Năm 2011, T-50 lần đầu tiên đạt tới tốc độ siêu thanh.
Hầu hết các bài thử nghiệm của T-50 đều được thực hiện từ sân bay của nhà sản xuất ở Komsomolsk on Amur. Năm 2018, hai nguyên mẫu Su-57 đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Nga Hmeimim ở Syria.
Su-57 được trang bị hai động cơ phản lực đốt sau Saturn AL-41F1, lực đẩy khô 88,3 kN (19.900 lbf) mỗi chiếc, lên tới 142,2 kN (32.000 lbf) với bộ đốt sau, hoặc 147,1 kN (33.100 lbf) trong trường hợp khẩn cấp.
Vào năm 2023, theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga, Su-57 sẽ nhận được một động cơ có tên gọi Izdelie 30. Giới chuyên gia tin rằng "trái tim" này sẽ đưa Su-57 đến gần hơn với phâ loại "máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm" .
Tầm hoạt động của Su-57 là 3.500 km. Tốc độ tối đa nó có thể phát triển là Mach 2 (2.135 km/h; 1.327 dặm/giờ) khi hoạt động ở độ cao lớn. Giới hạn chịu tải của nó ở mức 9G và trần bay khoảng 20.000 m.
Su-57 được trang bị 1 pháo tự động Gryazev-Shipunov GSh-30-1 30 mm, tên lửa không đối không R-77M và R-74M2, tên lửa không đối đất Kh-38M và Kh-59MK2, chúng có thể mang tối đa 4 tên lửa trong số đó. Máy bay có thể mang 2 tên lửa chống hạm và 4 tên lửa chống bức xạ.
Su-57 được tích hợp hệ thống điện tử hàng không đa chức năng Sh-121 (MIRES), radar mảng pha quét chủ động N036-1-01 (AESA) hoạt động trên băng tần X. Máy bay còn có hệ thống nhắm mục tiêu quang điện tử 101KS Atoll.
Việt Dũng