Tiềm lực của Golden Gate - 'ông chủ' mới của The Coffee House
Tập đoàn Golden Gate hiện sở hữu hơn 40 thương hiệu cùng hơn 500 nhà hàng trên 42 tỉnh, thành.
Theo Báo Giao thông đã đưa tin, thương hiệu The Coffee House dường như đã "về tay" Tập đoàn Golden Gate sau khi Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Trà cà phê VN - đơn vị vận hành chuỗi đồ uống The Coffee House cũng đã thay đổi vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật từ ông Ngô Nguyên Kha sang ông Trần Việt Trung.
Được biết, ông Trần Việt Trung là Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Golden Gate.
Ngày 19/2, tờ Deal Street Asia cũng đưa tin Golden Gate - ông trùm ngành F&B tại Việt Nam được cho là đã mua lại chuỗi The Coffee House từ Seedcom.
Có thể nhận thấy, việc mua lại The Coffee House của Golden Gate là phù hợp trong bối cảnh tập đoàn này cũng đang sở hữu nhiều thương hiệu F&B nổi tiếng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, thương vụ này diễn ra khi công ty mẹ Seedcom đang gặp khó khăn về tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho Golden Gate mở rộng danh mục đầu tư và tận dụng hệ sinh thái sẵn có để phát triển thương hiệu cà phê này.
Tiềm lực của Golden Gate
Golden Gate được thành lập vào năm 2005, ban đầu với nhà hàng lẩu nấm Ashima. Từ đó, tập đoàn từng bước mở rộng và trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực F&B tại Việt Nam.
Giai đoạn 2008-2015 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ khi Golden Gate liên tục ra mắt nhiều chuỗi nhà hàng nổi tiếng như: Gogi House (năm 2011), Kichi-Kichi, Sumo BBQ, Manwah, Daruma…
Từ năm 2016, Golden Gate tiếp tục củng cố vị thế bằng cách mở rộng danh mục đầu tư vào nhiều thương hiệu khác nhau như iSushi, Cowboy Jack’s, Hutong… đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý và vận hành hệ thống nhà hàng.

Hệ sinh thái F&B của Tập đoàn Golden Gate.
Giai đoạn 2020-2023, dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, tập đoàn vẫn duy trì tốc độ phát triển bằng cách tối ưu mô hình hoạt động, đa dạng hóa kênh bán hàng, đặc biệt là dịch vụ giao hàng tận nơi (delivery).
Đến nay, Golden Gate đã sở hữu hơn 40 thương hiệu cùng hơn 500 nhà hàng trên 42 tỉnh thành, phục vụ 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm.
Theo cáo báo tài chính mới nhất, Golden Gate có vốn điều lệ 77,6 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông tổ chức bao gồm: Công ty Cổ phần Golden Gate Partners sở hữu 43,50%, Công ty TNHH Seletar Investments chiếm 19,84%, SeaTown Private Capital Master Fund nắm giữ 9,90%, Công ty TNHH Periwinkle có 5,62%.
Đối với các cổ đông cá nhân, ông Đào Thế Vinh sở hữu 5,24%, ông Nguyễn Xuân Tường chiếm 3,03%, ông Trần Việt Trung có 2,27%. Các cổ đông khác nắm giữ 10,34%, còn cổ phiếu quỹ chiếm 0,25%.

Cơ cấu vốn cổ phần của Golden Gate.
Người đại diện pháp luật của Golden Gate hiện tại là ông Đào Thế Vinh, sinh năm 1972, chức vụ Tổng giám đốc.
Trong khi đó, ông Trần Việt Trung là Chủ tịch Tập đoàn Golden Gate. Hiện, ông cũng là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của The Coffee House.
Golden Gate làm ăn ra sao?
Về kết quả kinh doanh, Giai đoạn 2017-2019, Golden Gate duy trì tăng trưởng ổn định với lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 255 tỷ đồng (2017), 269 tỷ đồng (2018) và tăng lên 321 tỷ đồng (2019). Tuy nhiên, đến năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lợi nhuận giảm mạnh xuống chỉ còn 64 tỷ đồng.
Năm 2021, Golden Gate lần đầu tiên ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên đến 430 tỷ đồng, phản ánh tác động nghiêm trọng của giãn cách xã hội và sự suy giảm trong ngành F&B.
Đến năm 2022, tập đoàn phục hồi với mức lợi nhuận 658 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử tập đoàn. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, lợi nhuận lại giảm xuống chỉ còn 139 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của Golden Gate giai đoạn 2017-2023.
Theo báo cáo thường niên của Golden Gate, năm 2023 là một năm đầy biến động khi tình hình kinh tế vĩ mô không thuận lợi, khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Điều này dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong nhu cầu ăn uống, giải trí, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong năm, tổng doanh thu thuần của Golden Gate đạt 6.288,5 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế chỉ còn 139 tỷ đồng, sụt giảm 79% so với năm trước. Biên lãi ròng thu hẹp mạnh xuống 2,21%, trong khi năm 2022 con số này là 9,5%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí đầu vào tăng cao, làm gia tăng áp lực lên lợi nhuận.
Số liệu tài chính cho thấy, chi phí bán hàng năm 2023 đạt 3.343,9 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Chi phí nhân sự, bao gồm cả chi phí quản lý và bán hàng, duy trì ở mức 1.525 tỷ đồng, dù tổng số nhân viên đã giảm từ 19.800 người vào cuối năm 2022 xuống còn 17.087 vào cuối năm 2023. Đặc biệt, chi phí thuê mặt bằng tăng mạnh gần 22%, lên 931,9 tỷ đồng, tạo thêm áp lực cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Về tình hình tài chính, tổng tài sản của Golden Gate tại thời điểm 31/12/2023 ghi nhận 2.873,3 tỷ đồng, giảm 2,4% so với đầu năm. Trong đó, tài sản dài hạn khác tăng 6,3%, lên 662,1 tỷ đồng, chiếm 23% tổng tài sản. Hàng tồn kho ở mức 555,5 tỷ đồng, giảm 31,5%, chiếm 19,3% tổng tài sản, chủ yếu là nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Năm 2024, Golden Gate đặt mục tiêu doanh thu tăng 12% lên 7.066 tỷ đồng, lãi sau thuế tăng 17% lên 162 tỷ đồng.