Tiềm lực tài chính quốc gia vững chắc hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế
Bên hành lang Quốc hội, trả lời phỏng vấn Tạp chí Tài chính, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, tiềm lực tài chính quốc gia vững chắc đã giúp đáp ứng yêu cầu hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.
Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về công tác điều hành tài chính - ngân sách nhà nước thời gian qua?
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm: Tình hình tài chính quốc gia của chúng ta trong nửa nhiệm kỳ này đến thời điểm hiện nay khá ổn, các kế hoạch đặt ra đều được thực hiện và đạt được tốt hơn dự kiến.
Các mục tiêu đạt được và đạt được tốt hơn mục tiêu đặt ra trên cả 2 lĩnh vực thu, chi ngân sách, các cân đối lớn được đảm bảo, an toàn nợ công được tăng cường, nợ quốc gia thấp hơn nhiều mức Quốc hội cho phép.
Tôi cho rằng, đó là những tín hiệu tích cực, là kết quả của công tác quản lý tài chính quốc gia, tài chính vĩ mô. Nổi bật là thu ngân sách, trong những năm qua, số thu ngân sách nhà nước vượt rất lớn, như năm 2022 vượt hơn 400 nghìn tỷ đồng. Năm nay, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, dự kiến hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước, mặc dù số thu của một số lĩnh vực hụt nhưng cũng được bù đắp bởi số thu các lĩnh vực khác.
Chi ngân sách bám sát kế hoạch mặc dù chi đầu tư công còn gặp khó khăn, chi thường xuyên năm nay một số chưa giải ngân được. Tuy nhiên, nhìn tổng thể nửa nhiệm kỳ thì tình hình thu, chi ngân sách là tốt.
Tình hình tài chính này giúp chúng ta yên tâm, “có thực mới vực được đạo”, có tiền đã yên tâm rồi, vấn đề là sử dụng thế nào để hiệu quả nhất, tránh có tiền mà không tiêu được.
Phóng viên: Chính phủ đề ra dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 tăng khoảng 5% so với thực hiện năm 2023. Quan điểm của ông như thế nào về mức tăng này, thưa ông?
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm: Theo tôi, dự toán 2024 tăng 5% so với thực hiện năm 2023 là khá tích cực.
Nhìn tổng thể, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 ở mức 6-6,5%. Tăng thu ngân sách phải tương ứng với tăng trưởng kinh tế, nhưng chúng ta cần tính đến đặc thù của ngân sách hiện nay, thu từ nền kinh tế chiếm tỷ trọng lớn rồi nhưng chưa phải tuyệt đối, trong đó có nhiều khoản thu không phụ thuộc vào yếu tố tăng trưởng như thu từ đất, dầu thô...
Do đó, đặt mục tiêu thu phải trên dự báo tăng trưởng của từng lĩnh vực của nền kinh tế như thu thuế, phí... Tôi cho rằng, Bộ Tài chính xây dựng dự toán như vậy là tích cực, tương đối sát mục tiêu tăng trưởng kinh tế và có tính tích cực phấn đấu. Mức tăng này là phù hợp.
Phóng viên: Thời gian qua, hàng loạt các chính sách tài khóa được ban hành để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Cơ quan quản lý đã nỗ lực vừa đảm bảo nguồn lực ngân sách, vừa đáp ứng các nhiệm vụ hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội. Ông nhận định như thế nào về nội dung này?
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm: Chính sách tài khóa, tài chính quốc gia tương đối vững, nên dư địa của chính sách tài khóa sẽ được mở rộng, có thể cân đối nguồn lực cho hỗ trợ phát triển kinh tế. Như tới đây chi cải cách tiền lương là khoản chi rất lớn nhưng chúng ta đã chuẩn bị đủ nguồn, đây là khoản chi không chỉ một năm mà là rất nhiều năm, chi thường xuyên tăng nhiều, tuy nhiên nguồn lực chúng ta đã chuẩn bị từ trước. Đó là một minh chứng cho thấy nguồn lực tài chính có dư địa để chúng ta thực hiện các nhiệm vụ.
Vừa rồi, nhờ hiệu quả công tác thu ngân sách, chính sách tài khóa vững chắc, nên chúng ta đã có các nguồn lực đầy đủ khi thực hiện các chính sách thúc đẩy, phục hồi sau đại dịch COVID-19. Nhờ đó, không làm tăng bội chi, thậm chí bội chi còn giảm xuống, tỷ lệ bội chi giảm so với mức Quốc hội đặt ra, tiết kiệm được rất lớn. Điều đó cũng cho thấy, tiềm lực tài chính của chúng ta rất vững vàng, có thể đáp ứng các yêu cầu về chính sách tài khóa để hỗ trợ, kích thích tăng trưởng.
Các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí trên một số lĩnh vực cần thiết có thể đặt ra và thực hiện miễn là chính sách đó thực sự tạo ra động lực thúc đẩy cho tăng trưởng, phát triển kinh tế. Tức là nếu có hiệu quả thì chúng ta có thể làm. Một số lĩnh vực chi khác như chi đầu tư chúng ta cũng sẵn sàng có thể chi nếu có các dự án tốt, đóng góp cho nền kinh tế. Đó là dư địa mà chính sách tài khóa đang có.
Kết quả trên có sự đóng góp tích cực của ngành Tài chính nói chung và cơ quan trực tiếp thu là thuế, hải quan nói riêng. Nhờ kết quả thu ngân sách nhiều năm trước đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức cao đã tạo ra các nguồn lực để thực hiện chính sách tài khóa, cụ thể nhất là hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19; thực hiện các kế hoạch đầu tư công quy mô lớn; thực hiện chính sách cải cách đặc biệt là cải cách tiền lương; chi cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa; đảm bảo an ninh quốc phòng, tạo thế ổn định vĩ mô một cách tổng thể, không chỉ trên lĩnh vực tài chính mà còn trên tất cả các lĩnh vực kể cả các cân đối lớn của nền kinh tế, kể cả về an ninh quốc phòng, vị thế đất nước cao hơn, vững vàng hơn.
Có thể nói, nhờ có tiềm lực tài chính vững chắc mới thực hiện được các nhiệm vụ khác, tạo vị thế của Đất nước.