Tiêm mũi 1 là vắc xin Moderna tới thời gian tiêm mũi 2 Pfizer có được không?
Nhiều người dân TP.HCM hỏi, tiêm mũi 1 là vắc xin Moderna hơn 4 tuần, tới thời gian tiêm mũi 2 Pfizer có được không? Thực hư chuyện này thế nào?
Thời gian qua, nhiều người dân TP.HCM tiêm mũi 1 là vắc xin Moderna hơn 4 tuần, tới thời gian tiêm mũi 2 thì được tiêm Pfizer.
Cụ thể, từ đầu giờ chiều 6/9, nhiều người dân ở quận 11 đã đến điểm tiêm Trường tiểu học Đại Thành (địa chỉ 79/22 Âu Cơ, phường 14, quận 11) để tiêm vắc xin mũi 2 phòng COVID-19.
Người trên 65 tuổi được tiêm vắc xin Pfizer mũi 2 (mũi 1 họ tiêm Moderna) tại quận 11, TP.HCM chiều 6/9. Ảnh: TT
Trong lúc chờ đợi tiêm vắc xin mũi 2, nhiều người cho biết họ sẽ tiêm mũi 2 là vắc xin Pfizer, trước đó mũi 1 là Moderna. Ai cũng đồng ý tiêm và không quá lo lắng khi tiêm 2 loại vắc xin khác nhau.
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, trong bối cảnh khan hiếm vắc xin như hiện nay, có thể nghĩ đến việc sử dụng vắc xin khác để tiêm mũi 2 mà không nhất thiết phải tiêm vắc xin cùng loại.
Bác sĩ Khanh kiến nghị nên dùng vắc xin Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 là Moderna hoặc mũi 1 tiêm AstraZeneca, mũi 2 tiêm trộn Pfizer/Moderna.
"Nhiều nước trên thế giới đã tiêm phối trộn vắc xin như vậy, không có vấn đề gì xảy ra, hiệu quả bảo vệ vẫn tốt. Chúng ta phải tạo điều kiện để người dân được tiêm vắc xin nhanh nhất, tạo hiệu quả bảo vệ tối ưu", bác sĩ Khanh chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết lượng vắc xin hiện nay đang hạn chế và khi tiêm vắc xin thay thế thì TP cũng như ngành y tế sẽ chọn loại vắc xin phù hợp nhất, an toàn nhất và hiệu quả nhất cho người dân.
Cũng theo ông Nam, hướng dẫn của Bộ Y tế, người tiêm mũi 1 là vắc xin AstraZeneca thì mũi 2 cũng tiêm AstraZeneca, trong trường hợp thiếu vắc xin thì có thể sử dụng Pfizer.
Hiện nay trong tất cả các hướng dẫn thì chúng ta sử dụng những loại vắc xin tương đồng để sử dụng tiêm cho người dân. Trong tình hình thiếu vắc xin, một số nước đã tiêm trộn vắc xin. Việc sử dụng các vắc xin cùng loại hoặc trộn giữa các loại vắc xin có hiệu quả tốt, chưa ghi nhận tai biến nào xảy ra.
Hiện nay các quận huyện đang tiêm mũi 2 những loại vắc xin phù hợp cho người đã tiêm mũi 1. Chúng ta sử dụng vắc xin phù hợp nhất để tiêm cho người dân, làm sao cho người dân được phủ vắc xin tối đa.
Một lãnh đạo của Bộ Y tế cho biết thêm, trong bối cảnh hiện nay, các cơ sở tiêm chủng thiếu vắc xin Moderna tiêm mũi 2 cần chờ Bộ Y tế hướng dẫn. Trong những ngày sắp tới, Bộ Y tế sẽ có phiên họp bàn về việc này.
"Tổ chức Y tế thế giới cũng không đồng thuận với việc tiêm trộn vắc xin, mà khuyến cáo trong điều kiện thiếu nguồn cung thì có thể tiêm 2 vắc xin khác nhau cho 1 người, nhưng chỉ áp dụng ở một số vắc xin và cần giám sát chặt do nguy cơ có thể nảy sinh biến chứng cao hơn" - quan chức này cho biết.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế mới cho phép tiêm mũi 2 Pfizer cho người tiêm mũi 1 AstraZeneca (trong điều kiện thiếu vắc xin và phải giám sát sau tiêm chặt chẽ hơn). Với các vắc xin khác hiện chưa có khuyến cáo về tiêm trộn lẫn.
Hiện nay có một số quốc gia đang xem xét/đã chuyển sang dùng vắc xin COVID-19 khác loại (với liều đầu tiên) để tiêm liều thứ hai hoặc mũi tiêm tăng cường (liều 3 như Campuchia, Đan Mạch, Đức, Indonesia, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ…), theo Hãng tin Reuters.
Chẳng hạn, hồi đầu tháng 8, Thủ tướng Hun Sen của Campuchia thông báo nước này sẽ dùng vắc xin AstraZeneca để tiêm bổ sung cho những người đã tiêm đầy đủ 2 liều Sinopharm hoặc Sinovac. Trong khi đó, người đã được tiêm 2 mũi của AstraZeneca sẽ được tiêm mũi bổ sung là vắc xin Sinovac.
Canada nằm trong số những quốc gia đầu tiên tìm cách giải quyết vấn đề nguồn cung vắc xin COVID-19 bằng cách tiêm kết hợp các loại vắc xin. Theo đó, họ cho phép những người đã tiêm vắc xin Hãng Pfizer (liều 1) được tiêm vắc xin Hãng Moderna (liều 2). Điều này đã giúp Canada vượt qua tình trạng tắc nghẽn nguồn cung khiến 2,4 triệu liều Pfizer bị trì hoãn hồi tháng 6.
Hồi đầu tháng 6, Ủy ban Cố vấn quốc gia về tiêm chủng (NACI) của Canada đã cập nhật hướng dẫn của họ về vấn đề tiêm kết hợp vắc xin. Họ cho phép sử dụng vắc xin Hãng Moderna và Pfizer thay thế cho nhau vì cả hai loại vắc xin này đều sử dụng công nghệ mRNA tương tự nhau.
"Những người đã được tiêm liều đầu tiên là vắc xin dùng công nghệ mRNA (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna) nên được tiêm liều thứ 2 cùng loại vắc xin mRNA. Nếu vắc xin mRNA cùng loại không có sẵn, thì một loại vắc xin mRNA khác được xem là có thể thay thế cho nhau và nên được tiêm để hoàn tất tiêm chủng", NACI khuyến nghị.
Tại Đan Mạch, Viện Huyết thanh quốc gia (SSI) thuộc Bộ Y tế Đan Mạch cho biết việc kết hợp vắc xin AstraZeneca (liều 1) với liều 2 là Pfizer hoặc Moderna mang lại "khả năng bảo vệ tốt".
Trong khi đó, vào ngày 13/8, các nhà quản lý Mỹ đã cho phép tiêm liều thứ 3 là vắc xin Pfizer hoặc Moderna (đều dùng công nghệ mRNA) cho những người có hệ miễn dịch bị suy giảm.
Nếu không có sẵn loại vắc xin giống loại ban đầu đã tiêm cho người nhận (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna), họ có thể được tiêm bằng loại vắc xin còn lại trong số 2 loại này.