Tiệm nail ở New York mất nửa doanh thu vì đại dịch
Các tiệm làm móng ở thành phố New York được phép mở cửa trở lại từ tháng 7, nhưng lượng khách sụt giảm một nửa khiến chủ cửa hàng - phần lớn là người nhập cư - gặp khó khăn.
Gần như mọi ngày, Ju Young Lee là người duy nhất làm việc bên trong Beverly Nail Studio, tiệm làm móng do bà làm chủ ở Flushing, khu Queens. Cửa hàng yên tĩnh một cách kỳ lạ, và mỗi khi không có khách là bà Lee lại ngồi khóc một mình.
"Có lẽ, chỉ mong là, ngày mai sẽ bận rộn hơn. Tôi sẽ chờ", bà Lee nói với New York Times.
Cũng như các tiệm làm móng khác ở New York, cửa hàng của bà Lee phải đóng cửa vào tháng 3, khi đại dịch bùng lên ở thành phố này. Lượng khách tăng vọt trở lại vào một giai đoạn ngắn ngủi trong tháng 7, khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, nhưng kể từ đó khách dần ít đi.
Có lúc, khách hàng chỉ sử dụng những dịch vụ rẻ nhất. Bây giờ thì họ gần như không tới nữa.
Chật vật để tồn tại
Ngành chăm sóc sắc đẹp ở thành phố phải vật lộn để thuyết phục khách hàng rằng họ an toàn khi đến sử dụng dịch vụ. Những cơ sở ở quận kinh doanh Manhattan thậm chí gần như không có khách vì hầu hết mọi người đã rời khỏi thành phố hoặc làm việc tại nhà.
Với 26 năm kinh nghiệm trong nghề làm móng, và khoản tiền tiết kiệm trong 20 năm đổ vào cửa hàng này, bà Lee nói rằng mình không thể làm gì khác để kiếm sống. Ở tuổi 53, bà đang chật vật để tồn tại.
"Mặc dù đã có lúc khó khăn trước đây, nhưng tôi luôn đủ tiền chi trả hóa đơn điện nước. Nhưng giờ thì dù có làm việc chăm chỉ thế nào, tôi cũng chẳng kiếm được tiền", bà Lee chia sẻ.
Trên toàn bang New York, lượng khách đến các tiệm làm móng đã giảm hơn 40%, theo một thống kê hồi tháng 10 trên 161 nail salon của bang.
Hiệp hội Thợ làm móng New York (NY NSWA), nhóm vận động có liên hệ với Hiệp hội Người lao động Mỹ, cho biết tính đến tháng 8 mới chỉ có chưa tới một nửa trong số 594 nhân viên được hỏi cho biết đã trở lại làm việc. Thành phố New York có tổng cộng 4.240 tiệm nail theo điều tra năm 2016. 3% số tiệm nail của nước Mỹ nằm ở Brooklyn, và 2% thuộc khu Queens.
"Lực lượng lao động chủ yếu là người nhập cư, sống từ kỳ lương này đến kỳ lương khác, phải nuôi con và đôi khi là phải hỗ trợ các thành viên gia đình ở quê hương họ. Với cuộc khủng hoảng và những ảnh hưởng của đại dịch, chúng tôi dự đoán những lao động này sẽ chìm sâu trong nghèo đói", ông Luis Gomez, Giám đốc của NY NSWA, nhận định.
Tại khu Queens, bà Rambika Ulak KC, 50 tuổi, cho biết tiệm nail của mình đã đón rất nhiều khách sau khi mở cửa trở lại vào tháng 7. Khách đông tới mức bà phải gọi lại 10 nhân viên bán thời gian để đáp ứng nhu cầu. Nhưng giờ đây bà chỉ có khoảng 4 khách mỗi ngày.
Bà Ulak bỏ dở đại học ở Nepal để đến Mỹ. Từng bị hội chứng ống cổ tay và cũng từng bị khách hàng sỉ nhục vì nói tiếng Anh kém, bà Ulak vẫn cố nhẫn nhịn và nhìn vào bức hình con gái mình, được dán trên tường tiệm nail. Giờ đây mỗi khi không có khách, bà lại bắt gặp mình nhìn vào tấm ảnh đó.
"Nó là lý do mà tôi làm việc chăm chỉ như vậy. Để tôi có thể nói với nó rằng: 'Đừng nghĩ về tương lai của mẹ, hãy vui vẻ và tập trung học hành'", bà Ulak nói.
Các tiệm làm móng được mở cửa trở lại hồi tháng 7, với công suất hoạt động không quá 50% và khách hàng không được ngồi phòng chờ.
Trong khi các dịch vụ trong nhà có rủi ro lây nhiễm cao hơn, tiến sĩ Joshua Zeichner, Giám đốc nghiên cứu lâm sàng tại bệnh viện Mount Sinai ở Manhattan cho rằng nếu mọi người đều đeo khẩu trang và giữ khoảng cách hợp lý, các tiệm nail sẽ "an toàn hơn phần nào so với nhà hàng".
Tuy nhiên các chuyên gia vẫn lo lắng rằng khách hàng sẽ khó lòng cảm thấy tự tin khi đến tiệm nail, và sự hồi phục sẽ chỉ đến sau khi có vaccine.
Trong khi đó, 81% lao động tại các tiệm nail ở Mỹ là phụ nữ, và 79% là người sinh ra ở nước ngoài, theo một báo cáo năm 2018 của Trung tâm Lao động thuộc Đại học UCLA.
Phụ nữ lớn tuổi hơn sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển sang một nghề khác, nếu như ngành làm móng tiếp tục chật vật, theo bà Prarthana Gurung, quản lý chiến dịch của Adhikaar, trung tâm việc làm cho người Nepal ở New York. Trung tâm này hỗ trợ cho gần 1.300 thợ làm móng người Nepal ở thành phố.
"Có một số phụ nữ đã làm trong ngành này nhiều thập kỷ, và đó là lựa chọn duy nhất cho dù bất cứ điều gì xảy ra", bà Gurung nói thêm.
"Giấc mơ của tôi"
Bà Hannah Lee, 60 tuổi, là một trong những người phụ nữ như vậy. Kể từ khi đặt chân đến Mỹ, bà chỉ làm việc trong các tiệm nail.
Mặc dù nhớ Hàn Quốc, nhưng bà không hề phàn nàn. Bà học tiếng Anh trong thời gian làm việc và đã kiếm đủ tiền để nuôi con trai học đại học, cũng như luôn trả tiền thuê nhà đúng hạn.
Ngay cả vào lúc này, bà Lee vẫn thấy mình may mắn khi được thuê làm việc bán thời gian ở các tiệm nail tại Queens và Manhattan, nơi bà từng làm việc trước khi đại dịch bùng phát. Nhưng bà cho biết cả 2 cửa tiệm đều chẳng mấy khi có khách.
Thu nhập của bà đã giảm mạnh, từ 1.000 USD mỗi tuần xuống chỉ còn 300 USD. Số tiền đó đổ hết vào tiền thuê nhà, và bà gần như không có khả năng mua nhu yếu phẩm. Mặc dù vậy, bà từ chối xem xét các lựa chọn khác, và sẵn sàng làm thêm ở một tiềm nail thứ ba.
"Tôi chỉ muốn cảm thấy thoải mái với cuộc sống của mình. Tôi không muốn phải lo về việc liệu hôm nay khách hàng có đến không, hay liệu hôm nay tôi có bị nhiễm virus hay không", bà Lee cho biết.
Trong khi đó tại Jackson Heights, khu Queens, cô Mariwvey Ramirez, 38 tuổi, gần đây đã trở lại làm việc sau khi bị sa thải lần thứ 2 ở tiệm nail Rego Park.
Lần đầu tiên cô bị cho nghỉ việc là vào tháng 3, khi đại dịch bùng phát. Thiệt hại tài chính là rất nghiêm trọng, vì cô là người nhập cư không có giấy tờ vì vậy không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp.
Ngay cả vào lúc này, cô Ramirez cũng chỉ được làm việc bán thời gian. Là một người mẹ đơn thân, thu nhập của cô chỉ còn 400 USD một tuần, thay vì 700 USD như trước đây.
Cô Ramirez đến Mỹ từ Mexico 18 năm trước, theo chân anh trai mình và làm việc trong ngành nail từ đó cho đến nay.
"Tôi không biết làm gì khác, trong suốt ngần ấy năm, tôi đã làm việc trong các tiệm nail - thật sự là cả cuộc đời tôi", cô nói bằng tiếng Tây Ban Nha.
Điều đáng mừng duy nhất vào lúc này là cô có thời gian rảnh, và đã đăng ký để tham gia một lớp học tiếng Anh. Mặc dù có khả năng mở rộng cơ hội nghề nghiệp, nhưng phần lớn là để có công việc tốt hơn trong ngành nail.
Bà Ju Young Lee đến New York cách đây 30 năm và bắt đầu làm việc ở các tiệm giặt là, may mặc và tiệm nail vì vốn tiếng Anh ít ỏi.
Ban đầu bà làm việc tại một xưởng may, nhưng vài năm sau đó thì nó đóng cửa. Bà thử vận may với việc mở tiệm nail sau khi dành dụm hơn hai thập kỷ.
Khi bà lần đầu tiên đến xem cửa hiệu này, nhân viên môi giới bất động sản không nghĩ rằng nó phù hợp để mở tiệm nail. Nhưng tất cả những gì bà Lee nhìn thấy là một bức tường được sơn màu hồng, với những hàng ghế cho khách ngồi làm móng và một bộ sưu tập sơn móng tay đủ màu sắc.
"Đây là giấc mơ của tôi. Thật sự đấy, đây là giấc mơ của bất cứ người thợ làm móng nào, khi được mở tiệm nail của riêng họ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tiem-nail-o-new-york-mat-nua-doanh-thu-vi-dai-dich-post1156026.html