Tiềm năng cho báo chí thu phí khi áp dụng AI và Blockchain
Trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ chuỗi khối (Blockchain) khi được ứng dụng sẽ hỗ trợ đắc lực cho báo chí thu phí trong tương lai sắp tới.
AI: Cá nhân hóa trải nghiệm, thúc đẩy doanh thu
Theo bà Nguyễn Vân Hiền, Tổng Thư ký Hiệp hội Blockchain Việt Nam, việc ứng dụng AI và Blockchain trong báo chí thu phí mang lại nhiều lợi ích, từ việc cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, tối ưu hóa quy trình sản xuất nội dung, đến bảo vệ bản quyền và tăng cường tính minh bạch.
Mặc dù vẫn còn một số thách thức như chi phí cao, yêu cầu kỹ thuật phức tạp và sự chấp nhận của người dùng, tiềm năng và tác động của hai công nghệ này là rất lớn và hoàn toàn khả thi. “Ví dụ The New York Times (Mỹ) đã sử dụng AI để cá nhân hóa trải nghiệm đọc của người dùng, giúp tăng lượng độc giả đăng ký trả phí. Họ cũng sử dụng AI để tối ưu hóa quy trình sản xuất nội dung, từ việc đề xuất tiêu đề đến phân tích dữ liệu độc giả”, bà Nguyễn Vân Hiền cho biết thêm.
Phân tích sự linh hoạt của AI, bà Hiền ví dụ tờ Neue Zürcher Zeitung (NZZ của Thụy Sĩ) đã phát triển hệ thống “cổng thanh toán linh động” dựa trên AI để dự đoán khả năng một độc giả sẽ trở thành người đăng ký trả phí, từ đó điều chỉnh số lượng bài báo họ có thể đọc miễn phí. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Blockchain, việc ứng dụng AI vào báo chí thu phí mang lại nhiều tác dụng.
Đầu tiên là việc cá nhân hóa nội dung, khi AI có thể đề xuất các bài viết phù hợp với sở thích và nhu cầu của độc giả, kích thích người dùng đăng ký và duy trì gói trả phí. Thứ hai, các gói thu phí có thể tích hợp thêm ứng dụng tương tác thông minh thông qua AI chatbot để có thể trả lời câu hỏi của độc giả. Đem đến sự tương tác 2 chiều (dù với máy), khiến người đọc có thể thảo luận, trải nghiệm tương tác.
Thứ ba, AI sẽ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất nội dung, dịch thuật tự động để giảm chi phí vận hành, tối ưu chi phí, giúp tòa soạn có thêm nhiều lựa chọn cho các chương trình thu phí từ độc giả hơn. Đặc biệt, AI có thể phân tích nội dung và nguồn tin để phát hiện các thông tin sai lệch hoặc tin giả, giúp nâng cao độ tin cậy của tờ báo.
Cùng quan điểm, ông Đặng Hải Lộc, CEO & CTO tại AIV Group cũng cho rằng, AI sẽ nâng cao chất lượng nội dung của các sản phẩm báo chí thu phí bằng cách hỗ trợ nhà báo giảm tải công việc, từ đó tăng chất lượng nội dung. Ngoài ra, AI cũng giúp tạo ra sản phẩm mới, phục vụ nhóm độc giả sẵn sàng trả tiền mà trước đây tòa soạn chưa thể với tới. Ví dụ, người nước ngoài ở các địa phương hiện nay, họ vẫn chưa được phục vụ đầy đủ nhu cầu thông tin của mình.
Theo ông Đặng Hải Lộc, Chatbot AI được huấn luyện bằng dữ liệu báo chí để đưa tin và thu phí trực tiếp tới độc giả người nước ngoài rất đáng thử nghiệm. Quan trọng là áp dụng phải nhanh, dễ dùng, phóng viên tự triển khai được luôn chứ không cần đầu tư phức tạp. Ví dụ, những bài viết về thay đổi chính sách tuyển dụng lao động nước ngoài chắc chắn khiến doanh nghiệp Hàn Quốc, Trung Quốc... rất quan tâm, nhưng các báo không thể duy trì chuyên trang riêng phục vụ cho họ được.
Vậy thì tòa soạn chỉ cần đưa nội dung huấn luyện cho các Chatbot AI, xong đính đường dẫn của Chatbot vào bài là có thể xử lý được. Tòa soạn cũng tự đặt ra mức giá để thu phí các độc giả này, chẳng hạn bán gói 50.000 đồng/10 câu hỏi, thanh toán tự động qua QR Code và thẻ ngân hàng. Chatbot này sẽ phải tự động trả lời được bằng tiếng của quốc gia đó. Hiện AIV Group đang có nền tảng này và sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan báo chí.
Góp thêm một giải pháp, ông Đặng Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Liên minh phát triển nguồn nhân lực số Việt Nam (AIID), nhà sáng lập LovinBot AI chia sẻ: Hiện AI đã có thể “tiêu thụ” được lượng lớn nội dung đầu vào từ các bài báo dài, sau đó tóm tắt lại nội dung ngắn gọn để phù hợp với độc giả. Ví dụ, startup Perplexity có tính năng tóm tắt nội dung từ các bài báo có sẵn và thu phí bằng gói trả phí hàng tháng.
Hay như Gemini 1.5 Pro của Google, bản mới nhất sẽ có thể đọc được ngữ cảnh lên tới 2 triệu tokens (tức có thể đọc hiểu 232.000 từ) sau đó tóm tắt lại toàn bộ nội dung theo phong cách riêng mà độc giả yêu cầu. “Ba nhóm công việc mà AI làm tốt nhất để hỗ trợ các tòa soạn chính là: Đề xuất tin tức tự động; Đề xuất gói nâng cấp dựa trên thói quen; Hỗ trợ sản xuất nội dung phòng tin tức”, ông Sơn nói.
Nói thêm về khả năng “tối ưu hóa” của AI, ông Sơn cho biết AI có khả năng giải quyết cơ bản các vấn đề đang tồn đọng hiện nay với lĩnh vực xuất bản trực tuyến; đáp ứng căn bản nội dung thông tin trước nhu cầu và hành vi người đọc. Đầu tiên, một trong những lý do các tờ báo hiện nay không hấp dẫn với người đọc vì tin tức không được cá nhân hóa riêng dành cho sở thích, công việc của từng người.
“Mặc dù lượng tin tức hiện nay rất đồ sộ, nhưng một cá nhân không có đủ thời gian để đọc và tự tìm kiếm những gì mình yêu thích, vì bị che phủ bởi rất nhiều tin tức khác ít liên quan đến họ hơn. Thực tế này khiến họ chỉ xem tờ báo như một nơi “lướt tin tức”, không gắn bó như một độc giả trung thành. Nếu dùng AI để phân tích và “tóm” được nhóm độc giả này thì tòa soạn sẽ thành công.
Ví dụ, tờ The Globe and Mail (Canada), đang sử dụng app có tên Sophi để cá nhân hóa trải nghiệm đọc báo và thúc đẩy đăng ký kỹ thuật số. Công cụ AI Sophi, có khả năng phân tích thông tin người đọc và nội dung bài viết để quyết định xem nên đặt bài viết nào sau tường phí (chỉ dành cho người đăng ký) và bài viết nào cho phép truy cập miễn phí.
Sophi còn giúp tạo ra một trang chủ được cá nhân hóa, hiển thị nội dung phù hợp với sở thích của từng độc giả. Điều này không chỉ tăng khả năng người đọc tìm thấy những bài viết hấp dẫn mà còn giải phóng thời gian cho các nhà báo tập trung vào việc sản xuất nội dung chất lượng cao. Đây là một xu hướng đang được nhiều nhà xuất bản khác, như L’Avenir và Kölner Stadt Anzeiger, áp dụng để thu hút và giữ chân độc giả.
Blockchain: Bảo vệ bản quyền, minh bạch thanh toán
Về ứng dụng của Blockchain trong báo chí thu phí, theo bà Nguyễn Vân Hiền, Tổng Thư ký Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đầu tiên phải kể đến việc quản lý bản quyền và nội dung số thông qua việc lưu trữ thông tin về tác giả, thời gian xuất bản và các thông tin liên quan khác của bài viết, giúp ngăn chặn việc sao chép và phân phối trái phép, tránh thất thoát nội dung.
Công nghệ Blockchain cũng giúp việc thanh toán trở nên minh bạch và an toàn, thúc đẩy mở rộng, tăng tính tương tác của cộng đồng thông qua các NFT (Non-Fungible Token) thưởng dành cho độc giả trung thành hoặc các nhà báo có đóng góp nổi bật.
Tương tự, bà Lynn Hoàng, Giám đốc Quốc gia Binance tại Việt Nam cũng cho rằng, việc ứng dụng Blockchain vào báo chí thu phí sẽ tăng cường độ tin cậy và minh bạch. Cụ thể, Blockchain có thể xác minh nguồn tin, danh tính của các nhà báo giúp chống lại sự lan truyền thông tin sai lệch và tin giả. Ngoài ra, công nghệ này cũng có thể bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các tác giảm tác phẩm.
Blockchain cũng có thể giúp cải thiện mô hình thanh toán. Cụ thể, khi trao quyền cho nhà báo (cho phép họ kiếm tiền trực tiếp từ nội dung của mình), Blockchain có thể giúp những người viết giảm sự phụ thuộc vào mô hình quảng cáo truyền thống. Với phương thức thanh toán vi mô (Micro transactions), Blockchain có thể giúp độc giả thanh toán cho từng bài báo hoặc nội dung mà họ quan tâm một cách thuận tiện thay vì mua những nội dung mà họ… không quan tâm!