Tiềm năng để ASEAN và QUAD 'bắt tay'
Khả năng hợp tác sâu rộng giữa ASEAN và nhóm 'Bộ tứ' QUAD đã được đề cập tại Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 13.
Nên có ASEAN+4?
Nhóm "Bộ tứ" (QUAD), gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ đang có kế hoạch ứng phó với thách thức mà ASEAN cũng đang phải đối mặt, theo GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 sáng 19/11.
Theo GS Carl Thayer, "bộ tứ" QUAD hiện trở thành một phần lâu dài trong cấu trúc an ninh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nhóm đang đặt mục tiêu giải quyết 8 thách thức khu vực bao gồm: vaccine Covid-19 và khôi phục kinh tế; biến đổi khí hậu; hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; cơ sở hạ tầng; không gian mạng; chống tin giả, thông tin sai lệch; chống khủng bố; công nghệ trọng yếu và mới nổi.
“Đây cũng là những thách thức mà ASEAN đang gặp phải”, chuyên gia Australia nhận định.
Trên cơ sở đó, việc ASEAN tăng cường hợp tác với QUAD sẽ giúp nhóm 10 thành viên Đông Nam Á tận dụng được một mạng lưới ngoại giao với sự góp mặt của các nước lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ngoài ra còn hình thành một diễn đàn trao đổi chiến lược và hợp tác thực chất, tích cực; gia tăng tương tác, can dự của các đối tác đối thoại trong cấu trúc do ASEAN dẫn dắt và tham gia với ASEAN và các thể chế do ASEAN dẫn dắt mang lại trọng tâm Đông Nam Á, hơn là trọng tâm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đồng quan điểm với GS Carl Thayer, Đại sứ Ấn Độ tại Nhật Bản, ông Sujan Chinoy cho rằng, QUAD không phải là một liên minh quân sự. Nhóm tập trung vào xây dựng năng lực, công nghệ tiên tiến, chuỗi cung ứng quan trọng và chăm sóc sức khỏe khu vực, xây dựng sự đồng thuận rộng rãi hơn về các vấn đề phát triển thông qua cơ chế QUAD+.
Đại sứ cho rằng trong bối cảnh Biển Đông ngày càng trở thành khu vực “nóng”, ASEAN cần tận dụng và xây dựng các cấu trúc an ninh khu vực.
“Hiện ASEAN đã có một số khuôn khổ cấu trúc khu vực tạo ra hợp tác hiệu quả trong vấn đề như chống cướp biển, hỗ trợ nhân đạo, biến đổi thiên tai, nghề cá, biến đổi khí hậu, tăng cường kết nối… Nhưng nhìn chung cấu trúc an ninh khu vực chưa theo kịp được cấu trúc phát triển kinh tế”, ĐS Chinoy nhận định.
Các nước ASEAN không thể đứng riêng lẻ!
Trong khi đó, TS Rizal Sukama, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế ở Jakarta, cựu Đại sứ Indonesia tại Mỹ cho rằng, hợp tác giữa ASEAN và QUAD rất quan trọng về phát triển cũng như đương đầu với thách thức truyền thống và phi truyền thống. Bên cạnh đó, sự đồng thuận và thống nhất tiếng nói chung trong ASEAN cũng là chìa khóa để giải quyết những thách thức trên.
“Các nước thành viên ASEAN không thể đứng riêng hay tư duy riêng lẻ mà phải giải quyết các vấn đề như một khối thống nhất”, TS Rizal Sukama nói, nhấn mạnh đây điều cốt lõi trong xu hướng các nước lớn đối đầu.
Để đạt được điều đó, ASEAN có thể dựa trên những cơ sở như Tầm nhìn về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương (AOIP) hay Hiến chương ASEAN và những tuyên bố chung của cộng đồng ASEAN.
Chuyên gia này cũng lưu ý ASEAN nằm chính giữa Trung Quốc và liên minh 3 bên AUKUS – liên minh được coi là đối trọng với Bắc Kinh. Do đó phải cẩn thận trước nguy cơ trở thành vùng đệm xung đột.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tiem-nang-de-asean-va-quad-bat-tay-441380.html