Tiềm năng lớn kết nối ASEAN qua tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia
Tuyến vận tải thủy xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia bước sang năm thứ 11 khai thác, là hành lang vận tải hữu hiệu nối ASEAN và khu vực.
Sà lan vận chuyển container tuyến xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia
Năm thứ 11 khai thác, tăng trưởng 20%/năm
Theo Hiệp định về vận tải thủy giữa Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia, được Chính phủ hai nước ký kết ngày 17/12/2009, từ 20/1/2011, một số tuyến đường thủy thuộc hệ thống sông Mê Kông trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam và Campuchia trở thành khu vực tự do giao thông thủy dành cho phương tiện thủy hai nước.
Hiệp định nhằm tạo thuận lợi vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường thủy giữa hai nước và vận tải quá cảnh hàng hóa, hành khách đến, đi từ các nước thứ ba qua lãnh thổ mỗi nước.
Sau khi có hiệp định trên, tuyến vận tải thủy qua sông Tiền và sông Hậu được nối thẳng đến cảng Phnôm-Pênh, trong đó tuyến quá cảnh (cho phép tàu biển đi lại) qua sông Tiền từ Cửa Tiểu đến cảng Phnôm-Pênh, tuyến sông Hậu từ Cửa Định An qua kênh Vàm Nao và sông Tiền đến cảng Phnôm-Pênh tạo ra hành lang vận tải thủy nhộn nhịp xuyên biên giới hai nước.
“
Tại cuội hội đàm trực tuyến cuối tháng 11/2020, Bộ trưởng Bộ GTVT Việt Nam Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ Công chính và vận tải Campuchia Sun Chunthol về tăng cường vận tải qua biên giới Việt Nam - Campuchia, hai Bộ trưởng cùng bàn thảo nội dung thúc đẩy hợp tác, nâng hiệu quả khai thác vận tải thủy giữa hai nước, trong đó đề cập vấn đề sửa đổi, bổ sung Hiệp định giữa hai nước về vận tải thủy.
”
Sau 10 năm thực hiện Hiệp định trên, theo thống kê của Cục Cửa khẩu - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tổng số có gần 28.000 lượt phương tiện thủy nhập cảnh, quá cảnh và gần 25.400 lượt phương tiện xuất cảnh, quá cảnh. Đáng chú ý, vận tải thủy container bằng phương tiện thủy Việt Nam và Campuchia hiện nay rất phát triển, mỗi tuần có khoảng 20 chuyến phương tiện từ 160 - 200 Teus thông qua cửa khẩu, tương ứng hơn 1.000 chuyến/năm (160.000 đến 200.000 Teus/năm).
Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia được kết nối qua 2 cặp cửa khẩu quốc tế Thường Phước - Kok Rohka và Vĩnh Xương - Caom Samnor. Tuyến đường thủy nội địa này còn là tuyến quá cảnh nhằm trung chuyển hàng hóa từ các khu vực cảng biển phía Nam như cảng Sài Gòn, cụm cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép giữa Việt Nam - Campuchia.
“Chỉ riêng sản lượng hàng hóa quá cảnh qua các tuyến năm 2019 gần 5 triệu tấn, đạt mức 300.000 TEUs với đà tăng trưởng hàng năm là 19% -20%. Do vậy, các tuyến vận tải thủy được thiết lập theo Hiệp định đã trở thành một trong những tuyến giao thông huyết mạch quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị”, ông Thu cho biết..
Cũng theo ông Thu, hệ thống cụm cảng của Việt Nam đang ngày hoàn thiện về hạ tầng và các dịch vụ phụ trợ để trở thành hệ thống trung chuyển của khu vực, phát huy vai trò là cửa ngõ phía đông của các nước lưu vực sông Mê Kông. Do đó, các tuyến vận tải thủy giữa hai nước Việt Nam - Campuchia ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi vận tải đa phương thức với chi phí vận tải hợp lý hơn, đáng tin cậy hơn, thời gian vận tải thuận lợi hơn và góp phần giảm ô nhiễm môi trường so với các loại hình vận tải khác.
Năm 2019, sản lượng hàng hóa quá cảnh trên tuyến vận tải thủy xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia đạt gần 5 triệu tấn - Ảnh: CTV
Còn nhiều tiềm năng phát triển
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN cho biết, tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia ngày càng trở thành hành lang GTVT hiệu quả. Thời gian qua, lượng hàng trung chuyển qua cụm cảng nước sâu Cái Mép tăng nhanh nên lượng hàng vận chuyển trên tuyến vận tải thủy Phnôm Pênh - Cái Mép - TP.HCM tăng đáng kể và dự báo nhu cầu sắp tới sẽ lớn. Tuy vậy, quá trình triển khai Hiệp định phát sinh vướng mắc, bất cập đối với doanh nghiệp vận tải thủy. Trong đó có việc bổ sung các cảng, bến thủy vào tuyến vận tải thủy xuyên biên giới, cải tiến việc làm thủ tục, tăng thời gian thông quan cho phương tiện thủy.
Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội Đại lý và môi giới Hàng hải VN cho rằng: Để thúc đẩy sự phát triển giao thương trên tuyến vận tải sông Mê Kông, thời gian mở cửa khẩu thủy quốc tế nên được thực hiện đến 22h hàng ngày, thay vì chỉ đến 17h như hiện nay, tiến tới thực hiện 24/24 và có thể thí điểm trước cho tàu chở container. Bên cạnh đó, cần thực hiện khai báo hải quan online, rút ngắn thời gian trình báo, mở tờ khai, làm thủ tục để giúp hàng hóa được thông quan nhanh chóng; bỏ áp dụng thu phí, lệ phí hàng hải đối với phương tiện thủy... Một số doanh nghiệp cho biết, do thiết bị xếp dỡ tại cảng Pnompenh cũ, hay bị hỏng nên thời gian chờ bốc dỡ hàng lâu, nhiều trường hợp chờ tới 27 giờ.
Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, Cục và Tổng Cục đường thủy, hàng hải và cảng Campuchia thường xuyên trao đổi để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền hai nước tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, hoạt động vận tải thủy giữa hai nước.
Cảng thủy cửa khẩu quốc tế Thường Phước trên tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia
Trong đó, đối với doanh nghiệp vận tải thủy Việt Nam - Campuchia, Cục Đường thủy nội địa VN đưa ra khuyến nghị, khi làm thủ tục tại các cảng, bến nằm trong danh mục Hiệp định không ghi chung chung mà rõ đích cảng đến trong giấy phép rời cảng. Chẳng han, từ Việt nam đi Campuchia nếu đích đến là Phnôm Pênh cần ghi là Phnôm Pênh; từ Campuchia về Việt Nam nếu đích đến là Cái Mép ghi rõ là Cái Mép, không ghi chung chung là Việt Nam. Thực hiện điều này để được hưởng đầy đủ các thuận lợi về thủ tục một lần và về phí, lệ phí theo tinh thần Hiệp định về vận tải thủy giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ hoàng gia Campuchia.
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, hoạt động vận tải thủy Việt Nam - Campuchia đang gặp một số khó khăn, bất cập cần tháo gỡ:
Tại cửa khẩu Koh Roka chưa có đại diện của Hải quan làm thủ tục quá cảnh, dẫn đến các tàu thuyền từ phía Việt Nam sang phải đi vòng đến Kaom Sanor để hoàn tất sau khi làm các thủ tục nhập cảnh, kiểm dịch...
Thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, hiện Việt Nam triển khai thủ tục điện tử theo Cơ chế một cửa quốc gia từ tháng 7/2018 tại các cửa khẩu Vĩnh Xương/An Giang và Thường Phước/Đồng Tháp và tại các cảng, bến (đối với tàu nhập cảnh Campuchia). Tuy nhiên, hiện Campuchia vẫn yêu cầu xuất trình hồ sơ giấy.