Tiềm năng ngành bao bì nhựa và nhân tố mới HCD
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ngành nhựa của Việt Nam đạt trên 3 tỷ USD, tăng hơn 17% so với năm 2016 và dự báo tăng trưởng 12-15% trong năm 2018.
Ngành nhựa – non trẻ nhưng đầy tiềm năng
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, ngành công nghiệp nhựa là một ngành non trẻ so với các ngành công nghiệp lâu đời khác như cơ khí, điện - điện tử, hóa chất, dệt may. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành nhựa Việt Nam đã liên tục bứt phá với quy mô năm 2016 là 12,6 tỷ USD.
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ngành nhựa của Việt Nam đạt trên 3 tỷ USD, tăng hơn 17% so với năm 2016. Với đà tăng trưởng này, xuất khẩu nhựa được Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 12-15% trong năm 2018.
Trong quy mô ngành thì sản phẩm bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất đến 38% vào năm 2016 và cũng là phân khúc có tốc độ tăng trưởng CAGR nhanh nhất giai đoạn 2011 - 2016 với 10%. Người Việt có thói quen ưa chuộng sử dụng sản phẩm nhựa trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt là các loại bao bì nhựa được sử dụng rộng khắp tất cả các cửa hàng bán lẻ, siêu thị, chợ... bởi tính năng tiện dụng của sản phẩm.
Phân khúc bao bì nhựa sẽ tiếp tục mức tăng trưởng cao nhờ tỷ lệ tăng trưởng còn cao hơn nữa của các ngành đầu ra bao gồm thực phẩm và phi thực phẩm.
Theo báo cáo của VPA, bao bì nhựa chiếm trên 20% trong tổng số hơn 2.000 công ty nhựa trên toàn quốc, 66% giá trị xuất khẩu nhựa hàng năm của Việt Nam là nhựa bao bì. Tuy nhiên, số doanh nghiệp bao bì nhựa lại chủ yếu tập trung ở TP.HCM, chiếm đến hơn 84% vào năm 2016.
HCD - nhân tố mới lấp khoảng trống thị trường phía Bắc
Nắm bắt được thị trường cũng như tiềm năng của mảng nhựa bao bì phía Bắc, Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất và Thương mại HCD (Mã: HCD) đi lên từ đơn vị chuyên nhập khẩu và phân phối hạt nhựa đã bắt đầu mở rộng sản xuất khi cuối tháng 8/2017, HCD đưa nhà máy sản xuất nhà máy bao bì màng mỏng tại Bắc Ninh vào hoạt động.
HCD định hướng mảng sản xuất sẽ trở thành mảng kinh doanh cốt lõi. Là đơn vị lâu năm với kinh nghiệm dày dặn trong việc nhập khẩu hạt nhựa, việc mở rộng sang sản xuất giúp HCD có thể chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào. Nhà máy sản xuất bao bì màng mỏng của HCD có tổng vốn đầu tư khoảng 180 tỷ đồng, năng lực sản xuất thiết kế lên đến 10.500 tấn/năm.
Nhà máy của HCD sử dụng dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến và đồng bộ, hiện đang được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả cao tại Nhật Bản và trên thếgiới với đặc tính rất ít sản phẩm lỗi, quy trình khép kín, tiết kiệm tối đa chi phí nhân công.
Các sản phẩm và dịch vụ chính của nhà máy hiện nay bao gồm túi tự hủy, túi siêu thị, túi đựng rác, túi có mùi thơm, túi in nhiều màu, hạt nhựa, màng nhựa, dịch vụ gia công túi…
Dù là doanh nghiệp “sinh sau đẻ muộn” so với các đối thủ khu vực phía Bắc, nhưng HCD đã có đến 250 – 300 đại lý phân phối bao bì màng mỏng trải dài từ Nghệ An trở ra.
Công ty sẽ tiếp tục mở rộng nhà máy, thâm nhập vào các phân khúc siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch... trong thời gian tới và từng bước phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản...