Tiềm năng phát triển bản du lịch cộng đồng ở Nậm Cứm
Bản Nậm Cứm, xã ngối Cáy (huyện Mường Ảng) hiện có trên 70 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Mông, là một trong những bản còn giữ được nét đẹp nguyên sơ, mộc mạc của bản vùng cao. Bao quanh bản là trên 1.200 cây hoa ban nhiều năm tuổi. Với những lợi thế sẵn có, Nậm Cứm được huyện Mường Ảng chọn làm bản du lịch cộng đồng đầu tiên của huyện.
Thời gian vừa qua, huyện Mường Ảng đã phối hợp với Viện phát triển du lịch Châu Á, Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam; Viện Nhà ở và Phát triển đô thị Việt Nam; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh; các chuyên gia lĩnh vực phát triển du lịch, dịch vụ tổ chức khảo sát tiềm năng du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại bản Nậm Cứm, xã Ngối Cáy.
Qua khảo sát, các chuyên gia đánh giá cao về vẻ đẹp tự nhiên của bản Nậm Cứm và khẳng định tiềm năng, lợi thế xây dựng, phát triển bản Nậm Cứm trở thành điểm du lịch cộng đồng phục vụ nhu cầu tham quan trải nghiệm của khách du lịch trong và ngoài huyện. Trong đó có tiềm năng lớn để xây dựng các sản phẩm du lịch về ẩm thực, trang phục dân tộc, lễ hội, trải nghiệm mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Mường Ảng.
Ông Mùa A Lầu, Trưởng bản Nậm Cứm cho biết: Nghề chính của bà con trong bản là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm 95,3% theo chuẩn nghèo đa chiều). Hiện nay, tổng thu nhập lương thực bình quân đầu người đạt 300kg thóc/người/năm. Kể từ khi có các đoàn công tác về khảo sát làm du lịch cộng đồng tại bản người dân trong bản ai cũng vui mừng phấn khởi. Nếu được triển khai người dân trong bản sẽ được hưởng lợi về cơ sở vật chất và có cơ hội nâng cao thu nhập.
Hiểu được tầm quan trọng của phát triển du lịch cộng đồng, ban cán bộ bản Nậm Cứm thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Các trưởng dòng họ, người có uy tín trong bản vận động con cháu thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước của bản; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Dân bản thường xuyên tham gia quét dọn đường thôn, bản khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, trồng hoa tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt hiện nay, trong bản có rừng ban cổ thụ trên 1.200 cây, đây là một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch nên người dân trong bản đoàn kết chung tay bảo vệ.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng cho biết: Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, trong thời gian tới huyện quyết tâm xây dựng bản Nậm Cứm thành bản du lịch cộng đồng đầu tiên của huyện. Trước mắt huyện tập trung nguồn lực cải tạo, nâng cấp các tuyến đường nội bản; quy hoạch cụ thể các hạng mục, tạo ra điểm nhấn, nét riêng biệt của bản nhằm thu hút khách tham quan. Khôi phục lại các lễ hội truyền thống, chỉnh trang, trùng tu những ngôi nhà mang đậm nét truyền thống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Đồng thời thành lập các đoàn tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình bản du lịch cộng đồng thành công ở trong và ngoài tỉnh. Kêu gọi các nhà đầu tư, liên kết các công ty du lịch đưa khách đến du lịch trải nghiệm tại địa phương.
Vẻ đẹp mộc mạc của bản Nậm Cứm giữa núi rừng.