Tiềm năng phát triển du lịch vùng cao Bắc Yên
Huyện vùng cao Bắc Yên được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, vẻ đẹp hoang sơ, phong cảnh hữu tình, núi non hùng vỹ. Nơi đây không chỉ có những giá trị về mặt lịch sử, mà còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao, là những điều kiện thuận lợi phát triển du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng.
Ảnh: Huy Nghĩa
Đến với Bắc Yên, du khách được trải nghiệm vườn chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi Tà Xùa, đã được công nhận Cây Di sản Việt Nam; thăm vườn đào nguyên bản hay rừng sơn tra ở các xã vùng cao Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú; ngắm hồ sen xã Hua Nhàn, khám phá hang A Phủ, xã Hồng Ngài hay bãi đá cổ Khe Hổ, xã Hang Chú có nhiều điểm tương đồng với bãi đá cổ ở Sa Pa được công nhận là di tích cấp quốc gia... Bắc Yên có vùng lòng hồ sông Đà là tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng hay du lịch khám phá trải nghiệm với những phiên chợ trên lòng hồ. Mảnh đất, núi rừng Bắc Yên còn chứa đựng những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể hấp dẫn, sắc thái văn hóa của các dân tộc Mông, Dao, Mường, Thái với các lễ hội truyền thống, làn điệu dân ca, vũ điệu dân gian, trang phục, kiến trúc nhà ở, nghề dệt, nghề rèn, nghề đan lát, đua ngựa, các môn thể thao và trò chơi truyền thống thu hút đông đảo du khách khám phá, trải nghiệm.
Những năm gần đây, huyện Bắc Yên đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân từ du lịch. HĐND huyện đã ban hành các nghị quyết về phát triển du lịch của huyện và kế hoạch bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc huyện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, huyện Bắc Yên đã tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đầu tư, phục vụ khách du lịch tại các điểm du lịch sinh thái Tà Xùa, Sống lưng Khủng Long, Hồ Sen Hua Nhàn, Đồi Pu Nhi, Ruộng bậc thang Xím Vàng, vùng lòng hồ sông Đà. Lập quy hoạch, cắm mốc giới bảo vệ, xây dựng hạ tầng giao thông và đề nghị đầu tư trùng tu tôn tạo đối với các di tích đã được xếp hạng: Hang A Phủ và Bãi đá khắc cổ Khe Hổ. Lập kế hoạch nghiên cứu, khảo sát và triển khai thí điểm mô hình “Bản văn hóa du lịch” tại xã Tà Xùa gắn với văn hóa dân tộc Mông nhằm bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa (trong đó có kiến trúc nhà ở truyền thống) thành sản phẩm du lịch. Khôi phục và phát triển các nghề truyền thống, như: Nghề rèn, làm khèn bè, nấu rượu thóc truyền thống của đồng bào dân tộc Mông; nghề dệt vải, mây tre đan của đồng bào dân tộc Mường, Thái..., nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch, quà tặng phục vụ du khách.
Hằng năm, huyện tổ chức hội chợ vùng cao, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch nhằm quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người vùng cao Bắc Yên. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xúc tiến du lịch. Hiện, trên địa bàn huyện đang thực hiện quy trình triển khai dự án Khu du lịch sinh thái Việt Charm Tà Xùa do Công ty cổ phần Đầu tư và du lịch VIETCHARM thực hiện với số vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. Ngoài ra, toàn huyện có 21 cơ sở lưu trú, với 114 phòng nghỉ, với gần 400 chỗ nghỉ; có gần 100 lao động là người dân địa phương trực tiếp làm việc thường xuyên tại các đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch và dịch vụ. Các cơ sở lưu trú du lịch cơ bản đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, trải nghiệm du lịch trên địa bàn.
Ông Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bắc Yên, cho biết: Những tháng đầu năm nay, trước diễn biến dịch bệnh COVID-19, lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng giảm so với mọi năm. Tận dụng khoảng thời gian không đón khách du lịch do giãn cách xã hội, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng vận động, tuyên truyền các cơ sở lưu trú, du lịch đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch để phục vụ tốt hơn nhu cầu du khách trong và ngoài nước. 6 tháng đầu năm nay, toàn huyện đón gần 18.000 lượt khách, trong đó có 226 khách quốc tế, doanh thu ước đạt 9,4 tỷ đồng.
Huyện Bắc Yên đang xây dựng thương hiệu du lịch mang đặc trưng riêng của huyện vùng cao, phát triển theo hướng du lịch xanh và bền vững, gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; kết nối du lịch với các khu du lịch trọng điểm của tỉnh, của quốc gia; xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch đa dạng, có chất lượng, đáp ứng nhu cầu du khách trong nước và quốc tế.