Tiềm năng phát triển kinh tế từ nụ vôíTin khácChương trình 'Tiếp sức mùa thi': Nhân lên những hành động đẹpSẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021
Những năm gần đây, nhận thấy tiềm năng kinh tế từ hàng nghìn cây vối mọc tự nhiên ven các đồng ruộng, bờ suối… nên các cấp hội nông dân (HND) trên địa bàn huyện Chi Lăng tuyên truyền, vận động hội viên nông dân (HVND) mạnh dạn phát triển kinh tế từ cây vối. Qua đó, tăng thu nhập cho HVND, góp phần nâng cao đời sống cho bà con.
Gia đình bà Lường Thị Anh, thôn Khòn Nạo, xã Vân An có hơn 10 gốc vối lâu năm. Trước đây, cây vối chỉ được dùng để phục vụ nhu cầu của gia đình. Tuy nhiên, những năm gần đây, được HND xã tuyên truyền về lợi ích và giá trị kinh tế từ nụ vối đem lại nên bà tập trung khai thác sản phẩm này. Bà Anh cho biết: Từ năm 2020 đến nay, tôi thu được hơn 4 tạ nụ vối tươi. Với giá bán khoảng 15 nghìn đồng/kg nụ tươi và khoảng 70 nghìn đồng/kg nụ khô, đem lại cho gia đình tôi thu nhập khoảng 9 triệu đồng/vụ/năm.
Không riêng gia đình bà Anh mà nhiều hộ HVND trên địa bàn huyện Chi Lăng đã và đang khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế từ loại cây này. Cây vối có ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện nhưng tập trung nhiều nhất tại các xã: Liên Sơn, Vân An, Chiến Thắng…
Được biết, toàn huyện hiện có hơn 5.000 cây vối, hầu hết được trồng lâu năm ven các bờ suối, bờ ruộng… và được người dân thu hái lá, nụ vối để sử dụng làm thức uống hằng ngày với công dụng thanh nhiệt, mát gan, ổn định đường huyết, kích thích tiêu hóa… Những năm gần đây, nụ vối được nhiều người dân ở các huyện, tỉnh, thành khác tìm mua bởi chất lượng thơm ngon, hương vị đậm đà hơn so với cây vối được trồng tại địa bàn khác. Do đó, nhận thấy nụ vối có giá trị kinh tế nên các cấp HND tuyên truyền hội viên khai thác nụ vối và trồng dặm thêm cây con. Đồng thời, hằng năm, HND các xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức trung bình 1 cuộc/xã chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăm sóc và chế biến nụ vối cho gần 100 người tham gia. Trước đây, hầu hết người dân sau khi thu hoạch nụ vối đều phơi khô, sau đó bán cho tiểu thương. Phương pháp này tồn tại nhiều nhược điểm như: phụ thuộc vào thời tiết, chất lượng sau phơi bị suy giảm, không có thương hiệu, nhãn mác nên giá cả không ổn định… Nhận thấy hạn chế như vậy nên các cấp hội vận động HVND mạnh dạn đầu tư lò sấy gia đình để sấy khô. Đến nay, có khoảng 70% hộ HVND sản xuất vối đầu tư lò sấy nhằm đảm bảo chất lượng, hương vị của nụ vối sau khi thu hái.
Đặc biệt, các cấp hội còn hướng dẫn nhiều hộ HVND thành lập các cơ sở sản xuất nụ vối có đầu tư thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, có nhãn mác, địa chỉ rõ ràng; vận động HVND thành lập HTX để tạo thương hiệu riêng cho sản phẩm. Đến nay, HND hướng dẫn thành lập 1 HTX sản xuất và dịch vụ nông – lâm nghiệp Liên Sơn tại xã Liên Sơn gồm 14 thành viên cùng liên kết sản xuất nụ vối khô thành phẩm. Ông Vi Văn Cách, Giám đốc HTX sản xuất và dịch vụ nông – lâm nghiệp Liên Sơn cho biết: Nhờ sự hướng dẫn của HND xã nên HTX chính thức thành lập vào tháng 4/2021 với 14 thành viên. Năm nay, tuy mới bắt tay vào thu gom và chế biến nụ vối nhưng HTX đã thu mua hơn 70 tấn vối tươi, sau sấy khô đạt khoảng 8 tấn nụ vối thành phẩm. Bằng cách áp dụng hệ thống sấy hiện đại, có tem nhãn mác, chỉ dẫn địa lý… nên sản phẩm đảm bảo chất lượng và được bán với giá bán trung bình 250 nghìn đồng/kg, ước tính thu nhập mỗi thành viên đạt khoảng 15 đến 16 triệu đồng/vụ.
Việc khai thác nụ vối đã và đang giúp tăng nguồn thu cho các hộ dân có cây vối. Hằng năm, sản lượng nụ vối tươi thu được ước đạt hàng trăm tấn. Với giá bán trung bình từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg tươi hoặc 70 đến 80 nghìn đồng/kg nụ vối khô thành phẩm, đem lại thu nhập khoảng 10 triệu đồng/vụ cho mỗi hộ HVND trồng cây vối.
Bà Hà Thị Thủy, Chủ tịch HND huyện Chi Lăng cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động HVND đưa sản phẩm nụ vối lên các sàn giao dịch điện tử thương mại, các kênh đại lý bán lẻ… để quảng bá sản phẩm ra thị trường ngày càng hiệu quả hơn. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền các hộ mạnh dạn thành lập HTX sản xuất nụ vối. Ngoài ra, đơn vị phối hợp với các xã và ban, ngành chức năng tiến tới xây dựng nụ vối là sản phẩm OCOP của xã.
Nụ vối đã và đang tạo ra nguồn thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 19,71% năm 2016 xuống còn 7,74% năm 2020, thu nhập bình quân năm 2020 đạt trên 30 triệu đồng/người/năm.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/434639-tiem-nang-phat-trien-kinh-te-tu-nu-voi.html