Tiềm năng to lớn trong thúc đẩy thương mại và giao thương giữa Việt Nam - Nepal

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nepal (15/5/1975-15/5/2025), phóng viên TTXVN tại Nam Á đã phỏng vấn Giáo sư Archana Upadhyay - Khoa Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Jawaharlal Nehru ở thủ đô New Delhi để hiểu rõ hơn về mối quan hệ hữu nghị truyền thống này.

Về những thành tựu trong quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nepal trong 50 năm qua, Giáo sư Archana Upadhyay cho rằng, trong khoảng thời gian dài 5 thập kỷ, cả Việt Nam và Nepal đều đã chứng minh được tính bền vững của mối quan hệ hữu nghị truyền thống song phương. Hai nước hiện đóng vai trò quan trọng ở châu Á. Nepal là quốc gia có tiềm năng to lớn, trong khi Việt Nam là một trong những quốc gia rất nổi bật. Trên thực tế, Việt Nam đã trở thành hình mẫu cho một số nước đang phát triển trên toàn thế giới. Mối quan hệ giữa hai nước chủ yếu xoay quanh tôn giáo, giáo dục, giao lưu nhân dân, kinh doanh, thương mại và đầu tư. Tiếp xúc nhân dân, ngoại giao công chúng hoặc ngoại giao nhân dân là nền tảng của mối quan hệ này.

Theo Giáo sư Archana Upadhyay, cả Việt Nam và Nepal đều khẳng định có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy thương mại và giao thương song phương. Việc có đường bay thẳng giữa Kathmandu và Hà Nội là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ này đã mở ra nhiều triển vọng. Mặc dù cộng đồng người Việt Nam có thể không quá lớn ở Nepal, nhưng số lượng cộng đồng đó đang tăng dần. Ngày càng có nhiều người Việt đến Nepal vì lý do kết hôn hay học tập, một số người quan tâm đến Phật giáo và tới Nepal để nghiên cứu hoặc du lịch. Giáo sư cho rằng việc thành lập các hội hữu nghị cũng là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ này đã đi sâu như thế nào ở cấp độ xã hội. Bên cạnh đó, các di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ là nguồn cảm hứng to lớn, không chỉ ở Nepal, mà còn trên toàn bộ tiểu lục địa Ấn Độ, và tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ. Chính những điều này đã gắn kết hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Nepal, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ này không ngừng phát triển.

Bà đề cập đến thực tế mặc dù cộng đồng người Việt sinh sống, học tập tại Nepal không nhiều, song ông cho rằng vai trò của họ lại rất quan trọng khi được ghi nhận là luôn ủng hộ chính quyền sở tại, thể hiện thiện chí trong việc thúc đẩy sự phát triển của Nepal cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nepal.

Bên cạnh đó, theo bà, mối quan hệ nhân dân và mối quan hệ chính phủ - chính phủ hai nước không ngừng được củng cố theo thời gian. Trong những thời kỳ khủng hoảng, như đại dịch COVID-19, động đất, lũ lụt… Nepal luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của phía Việt Nam. Ngoài ra, thiện chí hỗ trợ đó còn được hai nước thể hiện trên các diễn đàn quốc tế và đa phương.

Giáo sư Archana Upadhyay nhấn mạnh: “thực tế là chúng ta đang sống trong một khối đa cực và khi chúng ta nói về một số cực quyền lực, thì Việt Nam đã nổi lên như một cực quyền lực quan trọng xét về khả năng tăng trưởng kinh tế và di sản văn hóa. Việt Nam đã nổi lên như một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng. Tương tự, Nepal cũng là một điểm đến du lịch rất quan trọng xét về di sản Phật giáo và các loại du lịch phiêu lưu, leo núi mạo hiểm...". Chính những tương đồng này đang thúc đẩy người dân hai nước xích lại gần nhau hơn.

Theo Giáo sư Archana Upadhyay, trong mối quan hệ hữu nghị này, Nepal có thể học hỏi rất nhiều điều từ Việt Nam vì Việt Nam hiện đã trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế với quỹ đạo phát triển đáng chú ý. Qua đó, hai nước có thể thúc đẩy các loại hình hợp tác kinh tế nhằm bổ trợ cho nhau.

Ngọc Thúy - Quang Trung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tiem-nang-to-lon-trong-thuc-day-thuong-mai-va-giao-thuong-giua-viet-nam-nepal-20250515174423468.htm