TP Hồ Chí Minh: Sẵn sàng ứng phó tràn dầu trong quá trình tách hai tàu bị sự cố
Chiều tối 15/5, Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh đã thống nhất phương án thực hiện việc tách hai tàu gặp sự cố va chạm trên sông Lòng Tàu vào sáng 16/5. Song song đó, để sẵn sàng ứng phó với nguy cơ tràn dầu sau khi tàu được di dời, Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam đã tổ chức diễn tập ngăn chặn và xử lý sự cố tràn dầu.

Hiện trường hai tàu va chạm vào ngày 25/4, giữa tàu chở container quốc tịch Panama và tàu chở hàng của Hong Kong (Trung Quốc) khi di chuyển trên sông Lòng Tàu.
Trước nguy cơ sự cố tràn dầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, các cơ quan chức năng đã họp bàn khẩn trương, thận trọng để chuẩn bị cho công tác tách tàu vào sáng 16/5, đồng thời kích hoạt phương án ứng phó, phục hồi môi trường quy mô lớn.

TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng phương án ứng phó tràn dầu trong quá trình tách hai tàu bị sự cố vào sáng 16/5.
Ông Lê Quang Phục, Trưởng đại diện Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam - Chi nhánh phía Nam, cho biết công tác tách tàu lần này đã được các cơ quan chức năng họp bàn rất nhiều lần, rất thận trọng và cân nhắc kỹ.
Theo đó, sáng nay, lúc 9 giờ đã có một cuộc họp kết luận cuối cùng với đại diện chủ trì là Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh. “Trung tâm của chúng tôi với vai trò là đơn vị ứng phó sự cố tràn dầu sẽ đảm nhận việc sẵn sàng phối hợp, triển khai các phương án ứng phó nếu xảy ra tràn dầu trong quá trình tách tàu. Đây là một phần trong kế hoạch tổng thể”, ông Phục cho biết.
Ông Lê Quang Phục cũng chia sẻ thêm: “Ngay từ khi nhận được kế hoạch tách tàu vào ngày mai, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng. Có trao đổi kỹ về lịch thủy triều, địa điểm triển khai và đặc biệt là đã tổ chức một buổi diễn tập vào chiều nay. 5 giờ 30 phút sáng ngày mai, toàn bộ công tác chuẩn bị phải hoàn tất, nhằm đảm bảo đúng 7 giờ sáng sẽ bắt đầu triển khai chính thức”.


Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam bắt đầu diễn tập ngăn chặn và xử lý sự cố tràn dầu.
Tính đến thời điểm hiện tại, các lực lượng chức năng ghi nhận vệt dầu loang đã lan rộng trên diện tích hơn 30 ha rừng ngập mặn tại huyện Cần Giờ. Một số khu vực nuôi thủy sản trên địa bàn bị ảnh hưởng, gây thiệt hại hơn 3,3 tấn thủy sản của người dân.


Lực lượng chức năng ghi nhận vệt dầu loang đã lan rộng trên diện tích hơn 30 ha rừng ngập mặn tại Cần Giờ.
Ông Hoàng Long, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, cho biết khu vực bị ảnh hưởng là vùng rừng ngập mặn có địa hình phức tạp, hệ sinh thái đặc thù và nằm trong khu bảo tồn nên công tác phục hồi môi trường dự kiến sẽ kéo dài. "Chúng tôi đã xây dựng các phương án xử lý và hiện đang chờ phê duyệt từ các cơ quan chức năng. Sau khi được phê duyệt, Trung tâm sẽ phối hợp cùng một số đơn vị chuyên môn quốc tế để triển khai phục hồi môi trường trên một diện rộng", ông Long cho biết.
“Trước mắt, theo yêu cầu từ các đối tác quốc tế, chúng tôi phải đảm bảo phương án phục hồi không ảnh hưởng đến các tầng sinh vật trong khu bảo tồn. Sau quá trình xử lý ban đầu, chúng tôi sẽ đánh giá lại và nếu cần thiết sẽ điều chỉnh phương án. Hiện tại, công tác thu gom dầu đang được thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, chủ yếu là rửa trôi và thấm hút để tránh tối đa tác động tiêu cực đến môi trường”, ông Long chia sẻ thêm.


Phương án diễn tập chống tràn dầu bằng phương pháp vây phao.
Theo các chuyên gia, sự cố lần này phức tạp hơn rất nhiều. Dầu bám dính chặt vào các rễ cây ven bờ của rừng ngập mặn nên gây khó khăn lớn trong việc làm sạch. Nếu không xử lý triệt để, dầu sẽ ảnh hưởng đến hệ thực vật, ngấm vào đất và tác động lâu dài đến hệ sinh thái. Đặc biệt, sinh vật thủy sinh là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên. Chính vì vậy, công tác phục hồi đòi hỏi phải tỉ mỉ, kỹ lưỡng và kéo dài hơn so với các khu vực khác. Dự kiến phải mất tối thiểu 6 tháng mới có thể đưa khu vực này trở về trạng thái tương đối ổn định như ban đầu.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Cần Giờ, khoảng 22 giờ 40 phút ngày 25/4, lực lượng chức năng nhận được tin về vụ va chạm giữa hai tàu chở hàng, gồm tàu chở hàng container ký hiệu KMTC SURABAYA (quốc tịch Panama) và tàu chở hàng rời GENGLYLE (quốc tịch Hong Kong) xảy ra tại khu vực cột đèn 15 trên sông Lòng Tàu, thuộc xã An Thới Đông.
Sự cố không gây thương vong và hư hại hàng hóa, tuy nhiên hai tàu đều bị hư hỏng, biến dạng phần mũi và làm tràn dầu trên sông.