Tiềm năng từ du lịch cộng đồng
Tới nay, du lịch cộng đồng- hình thức tổ chức phát triển du lịch bằng chính lợi thế của từng thôn xã được nhiều nơi phát triển. Trên thực tế, du lịch cộng đồng đã tạo thu nhập tốt cho bà con. Từ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Tại Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, những năm gần đây bà con dân tộc thiểu số làm du lịch rất hiệu quả, nhất là việc bà con tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù từ nghề dệt truyền thống, góp phần phát triển kinh tế. Trong đó, vai trò của Hợp tác xã Dệt thổ cẩm và Dịch vụ du lịch Chiềng Châu là rất quan trọng. Sau hơn 10 năm hoạt động, đến nay hợp tác xã hoạt động ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động, với thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng. Doanh thu của hợp tác xã trung bình 200 triệu đồng/tháng. Điều làm nên thành công của hợp tác xã chính là các sản phẩm đã kế thừa và giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của nghề dệt của dân tộc Thái. Sản phẩm vẫn được làm từ sợi bông tự nhiên, tuân thủ phương pháp sản xuất bằng tay từ kéo sợi, nhuộm màu đến dệt vải, đòi hỏi sự công phu, máy móc chỉ hỗ trợ ở công đoạn hoàn thiện sản phẩm.
Xã Chiềng Châu có trên 900 hộ với gần 3.800 nhân khẩu; là nơi được thiên nhiên ưu đãi với cảnh sắc tuyệt đẹp. Vì thế, việc phát triển du lịch cộng đồng là rất phù hợp.
Cũng giống như Chiềng Châu (Hòa Bình), tới nay nhiều địa phương trong cả nước, nhất là khu vực miền núi, du lịch cộng đồng đã có nhiều khởi sắc. Tại Sa Pa (Lào Cai), cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và bản sắc văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc thiểu số chung sống đã tạo ra sự cuốn hút kỳ lạ. Phát triển du lịch cộng đồng ở Sa Pa vừa xóa nghèo, vừa gắn với bảo vệ bản sắc văn hóa và môi trường sinh thái. Tại xã Tả Van, nhiều hộ dân làm du lịch theo lối “3 cùng”, có nghĩa là du khách cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với bà con. Du khách như cảm thấy mình là “công dân thực thụ” của bản. Nói như người làm du lịch cộng đồng ở Tả Van thì phải làm sao để du khách chấp nhận điều kiện vật chất tối thiểu thì phải làm sao tạo cho họ cảm giác thoải mái, thấy yêu thích cuộc sống và nét văn hóa đặc sắc của vùng đất nơi họ đến.
Tả Van có 140 hộ dân sinh sống, thì có hơn 40 hộ đăng ký làm mô hình du lịch cộng đồng, mỗi nhà có thể đón từ 10 đến 20 khách. Tới đây ngoài lưu trú qua đêm, đồng bào còn bảo đảm cho du khách thưởng thức nét đặc sắc của ẩm thực dân tộc và các tiết mục văn nghệ như múa quạt, hát ống, hát dân ca… Tính đến nay, toàn huyện Sa Pa có 154 cơ sở du lịch cộng đồng, tập trung ở các xã Tả Van, Lao Chải, Bản Hồ, Tả Phìn…, đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Kinh nghiệm thành công cho thấy, phát triển du lịch “3 cùng” là hướng đi đúng của Sa Pa, với chủ trương “biến di sản thành tài sản” và mỗi làng bản phải có một sản phẩm mang tính đặc trưng, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Và cũng chính những điều đó làm nên sự bền vững cho du lịch cộng đồng ở Sa Pa.
Còn tại Nghệ An, du lịch cộng đồng không thể không nói tới bản Nưa (xã Yên Khê, huyện Con Cuông). Đến đây, du khách được tham quan làng dệt thổ cẩm, ngồi vào khung dệt vải, ngắm các sản phẩm thổ cẩm địa phương, thưởng thức các món ăn dân tộc và ngủ lại nhà sàn đón buổi sáng trong ánh bình minh, tiếng gà gáy và tiếng suối… Cùng đó, du khách còn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, các điệu dân ca dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số trong các trang phục rực rỡ… Du khách cũng rất thú vị khi trải nghiệm các hoạt động sản xuất của địa phương như gặt lúa, hái cam, thi cấy, tham quan hội chợ phiên, nhảy sạp, buộc chỉ cổ tay...
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/tiem-nang-tu-du-lich-cong-dong-tintuc450037