Tiềm năng và cơ hội của bất động sản Long Thành

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, Long Thành có tiềm năng để trở thành mảnh đất 'màu mỡ' và là kênh đầu tư sinh lợi.

"Bất động sản Long Thành cất cánh cùng sân bay” là chủ đề của tọa đàm do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức chiều 5/11 tại Hà Nội.

Tọa đàm Bất động sản Long Thành cất cánh cùng sân bay. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Tọa đàm Bất động sản Long Thành cất cánh cùng sân bay. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Tọa đàm cũng diễn ra 2 phiên thảo luận: “Bất động sản sân bay Long Thành: Xu hướng, cơ hội và lưu ý khi đầu tư”; “Thị trường bất động sản khu vực trọng điểm phía Nam: Nhận diện cơ hội thị trường 2021”.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, Long Thành có tiềm năng để trở thành mảnh đất “màu mỡ” và là kênh đầu tư sinh lợi thu hút các nhà đầu tư lớn ở nhiều lĩnh vực; trong đó nổi bật là bất động sản.

Những diện tích đất trong và khu vực lân cận sẽ trở nên vô cùng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vì lợi thế vận chuyển cũng như dịch vụ chuyên nghiệp, được đánh giá cao trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đối với các nhà đầu tư bất động sản, đất nền Long Thành đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.

Hiện tại, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, giá đất tại Long Thành, Đồng Nai đang ở mức tương đối thấp, nhiều khu vực chỉ từ 20- 30 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, với sự phát triển nhanh về cơ sở hạ tầng như hiện tại của địa phương, nhiều chuyên gia dự đoán, mức giá đất khu vực cận sân bay có thể sẽ lên đến 100 - 120 triệu đồng/m2.

Do đó, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào thị trường này với những dự án quy mô lớn, dự báo có sức thanh khoản tốt.
Đối với phân khúc đất nền, từ đầu năm 2019 đến nay, lượng giao dịch tại những vị trí cận kề sân bay Long Thành cũng tăng liên tục. Sản phẩm tung ra bán luôn đạt mức hấp thụ cao. Năm 2021, khu vực Long Thành nói riêng và thị trường bất động sản phía Nam nói chung sẽ đón những cơ hội tăng trưởng mới - ông Nguyễn Mạnh Hà nhận xét.
Đồng quan điểm, PGS. TS. Trần Kim Chung cũng chỉ ra 5 tác động tích cực của thị trường bất động sản nhìn từ dự án sân bay Long Thành.

Vùng tam giác kinh tế sân bay Thủ Đức – Biên Hòa – Long Thành trong phạm vi 30km từ trung tâm sân bay đến các địa bàn sẽ bị thu hút để trở thành các địa điểm phục vụ cho sân bay.
Cùng đó, khu vực này có ảnh hưởng lan tỏa tích cực đối với thị trường bất động sản du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng.

Thêm vào đó, các địa điểm như Mũi Né (Bình Thuận) cũng được lợi thế từ phát triển sân bay Long Thành trong việc tiếp cận thị trường bất động sản công nghiệp và dịch vụ.
Hay như Thành phố Thủ Dầu Một nằm đối xứng với Thành phố sân bay Long Thành qua trục Biên Hòa – Thủ Đức cũng sẽ trở thành địa bàn phát triển công nghiệp kết nối vào mạng phát triển Long Thành, Thủ Đức, Biên Hòa, Thủ Dầu Một để tạo thành một tứ giác phát triển công nghiệp mạnh phía Bắc Tp.Hồ Chí Minh.
Các tỉnh như Long An, Tiền Giang được dự báo cũng tạo được ảnh hưởng lan tỏa của bất động sản công nghiệp, nông nghiệp.

Các sản phẩm nông nghiệp của Long An và Tiền Giang cũng sẽ có cơ hội tiếp cận với các thị trường lớn thông qua cảng trung chuyển lớn Long Thành.
Trong phiên thảo luận, các chuyên gia nêu rõ, tại những địa phương phía Nam như Bình Dương, Long Thành (Đồng Nai)..., nhiều nhà phát triển bất động sản đang rót vốn dài hạn và bài bản với những khu đô thị thương mại giải trí có quy mô và đồng bộ; quy hoạch kiến trúc hướng đến môi trường, cây xanh và hệ sinh thái nội khu dành cho cư dân.
Giai đoạn vừa qua xuất hiện xu hướng mới. Trong các khu đô thị hiện đại, đồng bộ, các nhà phát triển dành riêng khu vực quy hoạch hàng trăm sản phẩm nhà phố tự xây với diện tích đất từ 100-230m2.

Tại đây, chủ sở hữu các khu đất có thể tự lên ý tưởng thiết kế theo đúng sở thích và nhu cầu sử dụng, đem lại cơ hội mới cho khách hàng.
Tiến sỹ Vũ Đình Ánh cho rằng, mặc dù đến ngày 11/5/2019, Bộ Xây dựng mới ban hành quyết định công nhận thị trấn Long Thành là đô thị loại IV, song Long Thành có khả năng vươn lên thành một thành phố trực thuộc tỉnh gắn với chuỗi đô thị Thành phố Hồ Chí Minh; thành phố Biên Hòa và thành phố Vũng Tàu.
Các chuyên gia khẳng định, mô hình thành phố sân bay Long Thành là chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Tiềm năng, cơ hội của Long Thành lớn, nhưng là mô hình mới nên cần nhiều yếu tố đi kèm, xây dựng để có thể phát triển.

Tiềm năng lớn nhất của Long Thành là vị trí, chưa nói đến câu chuyện Long Thành được chọn làm 1 dự án ấp ủ đã từ rất lâu là sân bay Long Thành.
Tiềm năng và cơ hội bứt phá của bất động sản Long Thành sẽ trở thành động lực, điểm lan tỏa quan trọng cho bức tranh chung của thị trường bất động sản phía Nam trong năm 2021 và giai đoạn tới./.

Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tiem-nang-va-co-hoi-cua-bat-dong-san-long-thanh/176898.html