Tiềm năng vùng biển Sóc Trăng
Sóc Trăng là tỉnh có vị trí nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông, tiếp giáp biển Đông với chiều dài hơn 72km bờ biển và thông ra biển với 3 cửa sông chính là cửa Định An, Trần Đề và cửa sông Mỹ Thanh. Trong đó, cửa Định An là đầu mối giao thông quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long; cửa Trần Đề có cảng cá Trần Đề là khu dịch vụ hậu cần nghề cá, nơi tránh, trú bão của các tàu thuyền và nơi đây còn diễn ra các hoạt động lưu thông ra vào của các phương tiện khai thác thủy, hải sản trong và ngoài tỉnh.
Mặt khác, Sóc Trăng còn là một trong 28 tỉnh, thành phố có biển của cả nước, khu vực ven biển của tỉnh gồm huyện Cù Lao Dung, huyện Trần Đề và TX. Vĩnh Châu. Tổng diện tích tự nhiên của khu vực là 118.700ha với hơn 43.717ha diện tích đất bãi bồi, hơn 7.000ha diện tích rừng phòng hộ ven sông, ven biển và hơn 600ha diện tích cồn cát mới nổi cách bờ khoảng 7km. Sự kết hợp giữa các cửa sông, rừng ngập mặn ven sông, ven biển đã tạo cho khu vực tính đa dạng sinh học có hiệu suất cao, là bãi đẻ và là nơi trú ngụ của nhiều giống loài thủy, hải sản nước lợ, nước mặn có giá trị kinh tế, thuận lợi cho phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
Vị thế thuận lợi, nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng đã tạo cho khu vực tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội đa ngành như: nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản, công nghiệp, dịch vụ và phát triển du lịch biển. Ngoài ra, với diện tích bãi bồi rộng và dài chạy dọc theo chiều dài bờ biển với diện tích hơn 52.238ha, trong đó có 300ha bãi nghêu giống, trên 5.000ha nghêu thương phẩm. Nơi đây còn có tiềm năng giao đất để phát triển năng lượng sạch tái tạo (năng lượng điện gió) và đầu tư phát triển du lịch sinh thái biển.
Vị trí địa lý và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng đã tạo cho tỉnh tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Điển hình là phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ gắn với lợi thế của vùng biển và du lịch biển, gần đây nhất là tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo. Bên cạnh đó, nhiều khu du lịch sinh thái đang được kêu gọi đầu tư như Khu du lịch sinh thái Hồ Bể - Vĩnh Châu, Khu du lịch sinh thái Mỏ Ó - Trần Đề.
Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có kết hợp khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường khu vực ven biển, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Cụ thể là tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về tài nguyên, môi trường biển hàng năm thông qua các hoạt động: Tập huấn triển khai; phát hành sổ tay, tờ rơi để tuyên truyền; tổ chức lễ phát động, treo băng rôn, panô, áp phích; tổ chức làm vệ sinh thu góp rác thải; thực hiện các công trình cải tạo khắc phục ô nhiễm các sông, kênh rạch khu vực ven biển... Quan trắc chất lượng nước biển ven bờ định kỳ theo Quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 để đánh giá, dự báo diễn biến chất lượng nước phục vụ công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực ven biển của tỉnh.
Đồng thời, thực hiện dự án bảo vệ, phục hồi năng suất sinh học và khả năng cung cấp nguồn dinh dưỡng, nơi sinh sản của hệ sinh thái biển tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2015 - 2020. Điều tra, xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, đánh giá các nguồn thải từ đất liền và từ trên biển. Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và bản đồ nhạy cảm môi trường đường bờ phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng, hiện trạng quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng.
Theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Sóc Trăng về phát triển kinh tế biển, vùng ven biển, phấn đấu đến năm 2020, tỉnh sẽ thực hiện đạt các mục tiêu: nâng thu nhập bình quân đầu người của vùng đạt 6.200 USD; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%; xây dựng một số khu, cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ tại thị trấn; nghiên cứu, xây dựng khu kinh tế - đô thị ven biển Nam cửa sông Hậu gắn với cảng, khu công nghiệp Đại Ngãi, khu công nghiệp Trần Đề; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển; phát triển kinh tế gắn với nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với vùng biển, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.