Tiêm ngừa Covid-19 tốt cho cả mẹ và thai nhi

Phụ nữ mang thai nếu được tiêm ngừa sẽ giảm nguy cơ mắc Covid-19, khi mắc cũng có thể nhẹ hơn

Sau khi Bộ Y tế có công văn hướng dẫn tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 cho phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên, tại TP HCM nhiều bệnh viện phụ sản đã khởi động tiêm ngừa cho thai phụ.

Không phân biệt tuổi thai

Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM, công tác tại Bệnh viện Mỹ Đức (TP HCM), nghiên cứu trên thế giới cho thấy phụ nữ mang thai có nguy cơ dễ mắc Covid-19 hơn người bình thường và khi mắc thì có khả năng nặng hơn người bình thường, tăng các biến chứng trên thai kỳ và thai nhi.

"Nghiên cứu trên thế giới cũng ghi nhận vắc-xin Covid-19 có đáp ứng miễn dịch tốt trên phụ nữ mang thai và có tác dụng bảo vệ thai phụ tương đương với người không mang thai. Phụ nữ mang thai là đối tượng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm ngừa Covid-19" - bác sĩ Hồ Mạnh Tường cho biết.

Theo các chuyên gia, vắc-xin Covid-19 lần đầu tiên được chính thức sử dụng trên thế giới là từ tháng 12-2020, đến nay đã có hàng triệu phụ nữ mang thai tiêm vắc-xin Covid-19 và nhiều trường hợp đã sinh con an toàn. Hiện chưa có báo cáo nào trên thế giới ghi nhận tác dụng phụ bất thường của vắc-xin Covid-19 lên mẹ và thai nhi.

Các thai phụ ngồi chờ tới lượt tiêm vắc-xin Covid-19 tại Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM) Ảnh: LIÊN ANH

Các thai phụ ngồi chờ tới lượt tiêm vắc-xin Covid-19 tại Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM) Ảnh: LIÊN ANH

"Bộ Y tế hướng dẫn tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 cho thai phụ từ 13 tuần tuổi thai trở lên là một khuyến cáo mang tính thận trọng. Vì thai sau 13 tuần tương đối an toàn so với thai nhỏ tuổi hơn. Mặc dù đến nay chưa có chứng cứ khoa học về sự khác nhau giữa tiêm ngừa Covid-19 trước và sau 13 tuần, đa số nước khuyến cáo tiêm ngừa Covid-19 không phân biệt tuổi thai. Hiện cũng chưa có bằng chứng cho thấy nên tiêm vắc-xin Covid-19 cho người từng nhiễm bệnh. Do đó, các thai phụ đã nhiễm bệnh có thể không cần tiêm vắc-xin Covid-19" - bác sĩ Hồ Mạnh Tường thông tin.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để an toàn, thai phụ nên được tiêm ở các cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu sản khoa. Riêng ở TP HCM hiện nay, các bệnh viện chuyên khoa sản đều tổ chức các điểm tiêm ngừa cho phụ nữ mang thai. Cụ thể như: Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Mỹ Đức, Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận… Ngoài ra, một số bệnh viện đa khoa có khoa sản cũng tổ chức các điểm tiêm ngừa Covid-19. Thai phụ có nhu cầu tư vấn và tiêm ngừa có thể liên hệ các bệnh viện để được hướng dẫn.

Đối với những trường hợp tiêm vắc-xin rồi mới biết có thai, các khuyến cáo trên thế giới hiện đều hướng dẫn tiếp tục theo dõi thai như bình thường. Nhiều trường hợp tương tự trên thế giới đều chưa ghi nhận bất thường nào đặc biệt ở mẹ và thai nhi. Thế giới cũng không khuyến cáo trì hoãn có thai sau khi tiêm vắc-xin Covid-19.

Cho con bú có thể tiêm vắc-xin

Theo các bác sĩ, phụ nữ mang thai nếu được tiêm ngừa có thể giảm nguy cơ mắc Covid-19, khi mắc cũng có thể nhẹ hơn. Ngoài ra, kháng thể có được sau tiêm vắc-xin sẽ truyền cho thai nhi, giúp bảo vệ trẻ. Như vậy, tiêm ngừa Covid-19 sẽ giúp bảo vệ được sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi, giúp giảm áp lực lên các bệnh viện điều trị sản khoa đang điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường cho biết không chỉ với phụ nữ mang thai, ngay cả với phụ nữ cho con bú vẫn có thể tiêm vắc-xin an toàn như người bình thường. Do đó, trong hướng dẫn mới của Bộ Y tế không còn đề cập phụ nữ cho con bú trong các đối tượng cần thận trọng, mà có thể tiêm như người bình thường. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy sau khi tiêm vắc-xin, kháng thể tạo ra ở cơ thể mẹ có thể được truyền đến thai nhi hoặc truyền qua sữa đến em bé, từ đó có tác dụng bảo vệ thai nhi và trẻ sơ sinh.

Về thắc mắc loại vắc-xin Covid-19 nào có thể tiêm cho thai phụ, theo các chuyên gia, những loại vắc-xin Covid-19 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng ở Việt Nam hiện nay đều có thể tiêm cho phụ nữ có thai và cho con bú, ngoại trừ vắc-xin Sputnik V của Nga.

"Lý do loại trừ vắc-xin này là do thiếu các dữ liệu về vắc-xin trên thai, hiện WHO chưa phê duyệt khẩn cấp sử dụng Sputnik V cho đối tượng thai phụ" - bác sĩ Tường giải thích.

Ngoài ra, với phụ nữ mang thai sau khi điều trị IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) cũng giống như phụ nữ mang thai bình thường. Các nước trên thế giới cũng khuyến cáo nên tiêm ngừa Covid-19 trước khi điều trị IVF và có thể điều trị IVF ngay sau khi hết các tác dụng phụ của tiêm ngừa.

Hiện ở Việt Nam phụ nữ mang thai thường được hướng dẫn tiêm ngừa uốn ván. Hai loại vắc-xin này có thể tiêm độc lập với nhau.

Theo các bác sĩ, hiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên nếu có cơ hội, các thai phụ, cả phụ nữ cho con bú, nên đi tiêm ngừa, không nên trì hoãn. Bởi nếu bị mắc Covid-19 thì nguy hiểm cho cả mẹ lẫn thai nhi. Hiện nay, các bệnh viện điều trị Covid-19 tại TP HCM đều đang quá tải. Do đó, nếu mắc Covid-19 phải nhập viện thì điều kiện chăm sóc và sự hỗ trợ của gia đình rất hạn chế, càng nhiều nguy cơ cho mẹ và bé.

HẢI YẾN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/tiem-ngua-covid-19-tot-cho-ca-me-va-thai-nhi-20210816203851898.htm