Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả phòng bệnh sởi
Nhân dịp Thạc sĩ - Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hiếu Hòa (nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế TP Đà Lạt) vừa được bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Lâm Đồng, phóng viên Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn tân Giám đốc CDC tỉnh về các hoạt động kiểm soát dịch bệnh sởi tại địa phương.
- PV: Bác sĩ có thể cho biết diễn biến tình hình bệnh sởi tại Lâm Đồng từ đầu năm 2025 đến nay và dự báo thời gian tới?

Thạc sĩ - Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hiếu Hòa
- Thạc sĩ - Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hiếu Hòa: Từ ngày 1/1/2025 đến ngày 2/4/2025, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 845 trường hợp mắc (783 trường hợp sởi lâm sàng, 62 trường hợp xác định), trong khi cùng kỳ năm 2024 không ghi nhận ca bệnh. Ca bệnh đã xuất hiện trên địa bàn cả 10 huyện, thành phố trong tỉnh, một số địa phương có số mắc cao như: Đà Lạt (248), Đức Trọng (224)... Bệnh sởi ghi nhận ở mọi lứa tuổi, tập trung chủ yếu ở nhóm từ 12 tháng đến 5 tuổi (24,1%) và từ 6 - 10 tuổi (23,9%). Bệnh nhân mắc bệnh chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin sởi thường diễn tiến bệnh nặng hơn so với nhóm đã được tiêm ngừa đầy đủ. Trong thời gian tới, dự báo dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, có khả năng gia tăng nhanh chóng nếu không tích cực, chủ động các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt trong các trường học, nơi tập trung đông người. Thực tế hiện nay, vẫn còn nhiều người dân, gia đình, một số trường học còn thờ ơ, chưa quan tâm thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch.
- Được biết, ngành Y tế đã triển khai tích cực, thần tốc các chiến dịch tiêm phòng vắc xin sởi để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch sởi, kết quả tiêm chủng đến thời điểm hiện tại ra sao, thưa bác sĩ?
Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả phòng bệnh sởi. Bên cạnh việc triển khai tiêm vắc xin sởi theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng (mũi sởi 1 khi trẻ đủ 9 tháng và sởi-rubella khi trẻ 18 tháng tuổi); việc rà soát tiền sử tiêm ngừa và tiêm bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục được triển khai từ năm 2024, là một hoạt động được đưa thêm vào chương trình tiêm chủng thường xuyên, duy trì thực hiện hàng năm. Trong năm 2024, toàn tỉnh có 18.697 trẻ được tiêm vắc xin sởi và 17.412 trẻ được tiêm vắc xin sởi-rubella, đạt độ bao phủ trên 97%; tiêm bù, tiêm vét cho 2.854 trẻ. Tiêm chủng thường xuyên tiếp tục được duy trì tốt trong 3 tháng đầu năm 2025.
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh tăng cao, trong tháng 3/2025, tỉnh đã triển khai và hoàn thành Chiến dịch tiêm sởi cho 4.594 trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi và Chiến dịch tiêm sởi cho 6.111 trẻ từ 1 - 10 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin sởi, đạt chỉ tiêu bao phủ của chiến dịch. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp trẻ chưa được tiêm đầy đủ mũi vì các lý do sức khỏe phải hoãn tiêm, cha mẹ chưa đưa con đi tiêm, không đồng ý cho con tiêm chủng, chờ tiêm dịch vụ...
- Thưa bác sĩ, định hướng các hoạt động kiểm soát dịch bệnh nói chung và bệnh sởi tại Lâm Đồng tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm cụ thể là gì?
Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân để từ đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Tuyên truyền, vận động người dân đưa con em đi tiêm ngay khi đến lịch hoặc đợt chiến dịch; đeo khẩu trang nơi tiếp xúc đông người, khi trẻ mắc bệnh cần đưa đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị, tuân thủ các biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm và theo dõi điều trị.
Ngành Giáo dục tiếp tục chủ động phối hợp với ngành Y tế để thực hiện tích cực các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch trong trường học cũng như đảm bảo thông suốt, liên tục, kịp thời chế độ thông tin báo cáo, giám sát, khoanh vùng xử lý, hạn chế tiếp xúc trẻ bệnh, giảm lây lan mầm bệnh; tích cực, khẩn trương tiếp tục rà soát lịch sử tiêm chủng của trẻ để y tế tổ chức tiêm bù liều cho trẻ nếu chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ theo quy định của chương trình.
Ngành Y tế tiếp tục tích cực triển khai tốt tiêm chủng thường xuyên theo chương trình; phối hợp với ngành Giáo dục, các ngành, đoàn thể, tiếp tục rà soát đối tượng để tiêm bù, tiêm vét ngay cho các trẻ chưa được tiêm đủ mũi vắc xin theo quy định; tổ chức giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch kịp thời, không để dịch bùng phát, lan rộng trong cộng đồng.
Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm việc phân luồng và cách ly điều trị bệnh nhân sởi theo quy định; đảm bảo công tác vệ sinh khử khuẩn; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, vật tư đảm bảo khám, điều trị kịp thời cho người bệnh.