Tiêm vắc xin ngừa viêm gan B, phòng dịch nghiêm trong quá trình lọc máu
Là nơi chuyên tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân cao tuổi, BSCK1 Nguyễn Lê Hoa - Phó trưởng Khoa Thận tiết niệu - Lọc máu, BV Hữu Nghị khuyến cáo những bệnh nhân đang lọc máu chu kì, cần nâng cao cảnh giác và tinh thần phòng chống dịch COVID-19, bởi đây là đối tượng nguy cơ cao và khi mắc thì bệnh rất dễ trở nặng.
Chính vì vậy, theo BS. Lê Hoa, người bệnh đang lọc máu chu kì cần thực hiện nghiêm:
- Tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế và nhân viên y tế về giữ vệ sinh tay, vệ sinh đường hô hấp, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
- Yêu cầu bệnh nhân sử dụng khẩu trang trong suốt thời gian lọc máu. Khi có các triệu chứng ho, sốt, người bệnh sẽ đưa đến ở khu riêng.
- Khai báo y tế trung thực, khi có các triệu chứng ho, sốt hoặc các vấn đề sức khỏe khác cần gọi điện cho đơn vị lọc máu trước khi đến lọc máu.
- Ăn uống, vệ sinh khoa học: Bổ sung Vitamin và vận động thể chất phù hợp để nâng cao sức đề kháng.
Bên cạnh đó, để những bệnh nhân lọc máu giảm nguy cơ mắc bệnh viêm gan B do tiếp xúc với máu của người bị nhiễm bệnh tại đơn vị lọc máu, BV Hữu Nghị cũng đã tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B cho bệnh nhân lọc máu trong 2 ngày 19-20/8 vừa qua.
Kiểm soát nhiễm khuẩn và tiêm phòng viêm gan B trong đơn vị lọc máu
Theo TS.BS Nguyễn Văn Tín - Trưởng khoa Khoa Thận Tiết niệu - Lọc máu, BV Hữu Nghị cho biết: "Những bệnh nhân lọc máu có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B do tiếp xúc với máu của người bị nhiễm bệnh tại các đơn vị lọc máu. Do vậy để giảm viêm gan B trong lọc máu cần thực hiện tốt 2 việc. Thứ nhất, đó là sử dụng các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn trong các đơn vị lọc máu. Hai là, tiêm phòng viêm gan B.
Như vậy mục đích của việc tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong lọc máu góp phần đáng kể giúp ngăn ngừa mắc viêm gan trong quá trình lọc máu.
Để bệnh nhân lọc máu được tiêm vắc xin viêm gan B, các bác sĩ sẽ sàng lọc bệnh nhân trước khi tiêm. Bệnh nhân sẽ được xét nghiệm các marker viêm gan B, nếu bệnh nhân đạt 2 tiêu chí: HBsAg (-) và HBsAb < 10UI/L thì sẽ được tiêm phòng.
Bệnh nhân sẽ được tiêm 4 mũi: 0, 1, 2, 6 tháng (liều gấp đôi người bình thường).
Để đảm bảo chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh được tiêm vắc xin viêm gan B đầy đủ và an toàn, Khoa Thận tiết niệu - Lọc máu, BV Hữu Nghị đã phối hợp với viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức tiêm phòng viêm gan B cho bệnh nhân ngay tại khoa.
Anh Mùa Đức Hải - bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Thận tiết niệu - lọc máu phấn khởi chia sẻ: “Là một bệnh nhân lọc máu chu kỳ nên việc được tiêm phòng viêm gan B tại BV giúp tôi đỡ phải đi lại vất vả và thuận tiện cho tôi trong quá trình lọc máu”.
Trước khi được tiêm viêm gan B các bệnh nhân đã được các bác sĩ tư vấn, khám, kiểm tra sức khỏe có đảm bảo đủ điều kiện mới tiến hành tiêm.
Đưa bố là ông Nguyễn Bá Nghệ đi lọc máu, được các bác sĩ tiêm tư vấn tiêm vắc xin viêm gan B cho bố, chị Nguyễn Thị Lan Anh vui mừng tâm sự: “Bố tôi năm nay đã 80 tuổi bị tai biến và phải hàng ngày đi lọc máu nên việc khoa Thận tiết niệu - Lọc máu tổ chức tiêm phòng viêm gan B tại khoa đã tạo điều kiện cho gia đình tôi rất nhiều. Chúng tôi cảm ơn Lãnh đạo bệnh viện và các bác sĩ rất nhiều".
Theo các bác sĩ, virus viêm gan siêu vi B được truyền qua khi da hoặc niêm mạc tiếp xúc với máu của người bệnh (HBsAg + hoặc HBeAg +). Virus viêm gan siêu vi B vẫn duy trì được ở nhiệt độ phòng trong ít nhất 7 ngày. Virus viêm gan siêu vi B đã được phát hiện trên: kẹp, kéo, bề mặt bên ngoài và các bộ phận của máy lọc máu. Virus viêm gan siêu vi B có thể lây truyền cho bệnh nhân hoặc nhân viên trên găng tay hoặc không rửa tay. Do vậy, tiêm chủng phòng ngừa lây nhiễm đặc biệt đối với bệnh nhân lọc máu là rất cần thiết.
Hi vọng với các biện pháp trên sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe của bệnh nhân và nhân viên đơn vị lọc máu trong cuộc chiến chống COVID-19.