Tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi: vũ khí chống dịch sởi hiệu quả nhất
Do TPHCM có đặc điểm biến động dân cư lớn, nhiều trẻ em từ các địa phương khác chuyển đến mà chưa được cập nhật trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia nên các trạm y tế không biết để mời tiêm vắc-xin phòng sởi. Sở Y tế đề nghị UBND các quận huyện phát huy tối đa vai trò của các ban ngành đoàn thể liên quan để 'đi từng ngõ, gõ từng nhà, tìm và vận động đưa tất cả trẻ em từ 1-5 tuổi đi tiêm bổ sung vắc-xin sởi'.
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), số ca sởi tăng lên nhanh chóng trong thời gian gần đây. Khảo sát về việc tiêm vắc-xin sởi trên 160 trẻ đủ 18 tháng tuổi, có 11,9% trẻ chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, 27,5% trẻ tiêm vắc-xin trễ. HCDC cho biết, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi sởi phải đạt 95% trở lên mới đủ khả năng bảo vệ cộng đồng không xảy ra dịch sởi.
Tất cả trẻ em từ 1 – 5 tuổi đang sống trên địa bàn thành phố đều được yêu cầu tiêm bổ sung 1 mũi vắc xin phòng bệnh sởi–rubella, không phân biệt tiền sử tiêm chủng trước đó.
Chỉ định tiêm chủng này thực hiện theo Thông tư 10/2024/ TT-BYT của Bộ Y tế.
Vắc-xin sởi–rubella trong chiến dịch là vắc-xin đang sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng và cũng là vắc-xin đã được sử dụng trong chiến dịch tiêm bổ sung trước đây vào năm 2018 – 2019. Để chiến dịch đạt hiệu quả, tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng bệnh sởi, UBND các cấp cần tích cực tìm và mời phụ huynh đưa trẻ đến tiêm chủng, không để bỏ sót trẻ nhất là trẻ nhập cư, trẻ trong các cơ sở bảo trợ xã hội.
Theo HCDC, vũ khí chống dịch sởi hiệu quả nhất chính là tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, cần chỉ đạo quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để tổ chức tiêm chủng hiệu quả.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM