Tiêm vắc xin sởi cho trẻ trên diện rộng, không để sót

Không chỉ trẻ nhỏ mà cả học sinh 11 - 15 tuổi, trẻ vãng lai chưa rõ tiền sử tiêm chủng cũng được tiêm vắc xin sởi. Đây là một trong những nỗ lực của ngành y tế nhằm ngăn chặn sự gia tăng số ca mắc bệnh sởi.

Khám sàng lọc trước khi tiêm chủng cho trẻ. Ảnh minh họa

Khám sàng lọc trước khi tiêm chủng cho trẻ. Ảnh minh họa

Rà từng nhóm tuổi

Từ đầu năm 2025 đến nay, các xã, phường phía Đông của tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 1.682 ca nghi sởi, có 151 trường hợp xác định mắc sởi, tăng 150 ca so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tháng 6/2025 ghi nhận 70 ca sốt phát ban nghi sởi, giảm gần 62% so với tháng trước. Các xã, phường như đề cập trên đều ghi nhận ca bệnh nghi sởi, nơi cao nhất tới 377 ca, thấp nhất 16 ca. Riêng Đặc khu Phú Quý ghi nhận 1 ca bệnh nghi sởi.

Trước tình hình số ca phát ban nghi sởi cao, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Thuận phối hợp các trung tâm y tế khu vực, trạm y tế xã, phường thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi. Mục tiêu là đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở quy mô từng xã, phường. Các địa phương và ngành y tế “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; rà soát, lập danh sách tiêm chủng. Đồng thời, tuyên truyền đến từng gia đình về lợi ích của tiêm phòng. Địa điểm tổ chức là các điểm tiêm vắc xin thường xuyên của các xã, phường, thị trấn hoặc các điểm tiêm lưu động. Sau 3 đợt tiêm vắc xin sởi, tỷ lệ tiêm chủng đạt kết quả cao. Trẻ 1 - 5 tuổi đạt 96,5%, trẻ 6 - 10 tuổi đạt 96,7%, nhân viên y tế đạt 95,5%. Ngoài ra, chiến dịch tiêm vắc xin sởi mở rộng trẻ 11 - 15 tuổi, trẻ vãng lai và nhóm chưa rõ tiền sử tiêm chủng, có nguyện vọng tiêm vắc xin…

Bác sĩ Thông Thanh Lý - Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực Đông Giang (xã Đông Giang, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, vào đầu năm 2025, đơn vị phát hiện khoảng 20 ca nghi mắc sởi. Kể từ sau khi triển khai 3 đợt tiêm vắc xin sởi bổ sung cho các nhóm tuổi khác nhau, Phòng khám không còn phát hiện ca nghi sởi nào từ cuối tháng 5/2025 đến nay. Dù địa bàn rộng, dân cư sống rải rác và phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng khi có thông tin về tiêm chủng, các gia đình tích cực phối hợp, đưa trẻ tiêm đầy đủ, đúng lịch.

Đừng tự ý điều trị

Trước diễn biến của bệnh, các bác sĩ cho biết: Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút lây qua đường hô hấp và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị hiện nay chủ yếu nhằm kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng như viêm phổi, tiêu chảy… Sởi không chỉ là bệnh của trẻ nhỏ mà cả người trưởng thành, suy giảm miễn dịch hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin phòng sởi cũng có nguy cơ mắc bệnh và gặp biến chứng nặng. Với trường hợp bệnh sởi nhẹ có thể chăm sóc, cách ly tại nhà, người bệnh và người thân tuân thủ các chỉ định của bác sĩ trong thời gian điều trị.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo: Người dân không nên tin theo các bài thuốc truyền miệng, thuốc lá nam hay đắp thuốc ngoài da khi mắc sởi. Những phương pháp không có cơ sở khoa học này có thể gây hại, thậm chí dẫn đến loét da hoặc nhiễm trùng máu. Khi có các triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, phát ban…, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được khám và theo dõi đúng hướng, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà. Với nhóm người trưởng thành, nếu chưa từng tiêm hoặc không nhớ rõ đã tiêm chưa, thì nên chủ động tiêm nhắc lại vắc xin phòng sởi để bảo vệ bản thân, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Việc chủ động phòng bệnh thông qua tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là giải pháp hiệu quả, bền vững nhất để kiểm soát bệnh sởi. Các phụ huynh theo dõi sát lịch tiêm chủng tại địa phương, chủ động đưa trẻ đến các điểm tiêm do ngành y tế tổ chức. Tiêm phòng đủ và đúng lịch không chỉ giúp bảo vệ trẻ, mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh, hạn chế nguy cơ dịch sởi quay trở lại và lây lan trên diện rộng.

TRANG HIẾU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/tiem-vac-xin-soi-cho-tre-tren-dien-rong-khong-de-sot-382011.html