Tiêm vắc-xin viêm gan siêu vi B để tránh 'sát thủ thầm lặng'
Theo các bác sĩ việc tiêm vắc-xin viêm gan B sẽ giúp người dân tránh được nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên Thế giới hiện nay có hơn 330 triệu ca viêm gan B, viêm gan C, mỗi năm đều tăng 3 triệu ca mới, số ca tử vong báo động ở mức 1,1 triệu ca/năm.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ viêm gan cao nhất khu vực Đông Nam Á, ước tính khoảng 15-26% dân số. Số ca mắc mới và tử vong hằng năm đều trên 25 nghìn trường hợp
Thời gian qua theo thông tin từ các cơ sở y tế có nhiều ca biến chứng nặng do mắc viêm gan siêu vi B mà không điều trị kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền,Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cảnh báo thực trạng đáng buồn gặp phải trong quá trình thăm khám đó là nhiều thế hệ trong gia đình mắc viêm gan B. Chỉ đến khi thấy người thân lần lượt ra đi vì ung thư gan thì các thành viên mới đi khám...
Ngoài ra, nhiều bệnh nhân khác bị u gan khi mới 20-25 tuổi. Điều này cảnh báo thực trạng bệnh viêm gan B tiềm ẩn trong cộng đồng và vẫn đang là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng tại Việt Nam.
Hiện nay, dù đã có vắc-xin và nhiều khuyến cáo phòng bệnh từ ngành y tế song bệnh viêm gan B vẫn đang là bài toán nhức nhối vì nhiều người dân chưa thực sự quan tâm đến vấn đề phòng chống.
Ước tính, trong khoảng 8 triệu người mắc chỉ có khoảng trên dưới 1/10 thực sự được chăm sóc y tế, còn lại vẫn cho rằng bệnh có thể điều trị không đúng cách hoặc tự dùng các thuốc do mách bảo nhau đến khi biến chứng nặng mới nhập viện làm mất đi cơ hội điều trị.
Do không có triệu chứng nên viêm gan virus được coi như "sát thủ thầm lặng" âm thầm hủy hoại sức khỏe con người. Nếu người bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm gan virus B và C có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan, xấu nhất là tử vong.
PGS.Nguyễn Công Long, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa-Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, hiện nay tỷ lệ các bệnh về gan mật như ung thư gan, xơ gan và các biến chứng do xơ gan ngày càng tăng.
Tại Trung tâm Tiêu hóa-Gan mật hàng ngày đều tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng xơ gan và ung thư tế bào gan đến khám, chẩn đoán và điều trị.
Đáng lưu ý, các bác sĩ tiếp nhận nhiều bệnh nhân tới khám trước đó hầu như không có triệu chứng nhưng khi đến viện đã ở giai đoạn muộn. Đặc biệt, nhiều trường hợp dưới 30 tuổi đã mắc bệnh.
PGS.Long phân tích nguyên nhân dẫn tới xơ gan, ung thư gan của người Việt Nam gia tăng là do viêm gan virus B và C.
Việt Nam nằm trong các quốc gia có tỷ lệ người mắc viêm gan virus B cao. Hiện nay, ước tính 8-10% dân số, đồng nghĩa với việc có 8 đến 10 triệu người dân mang trong mình căn bệnh này.
Viêm gan virus là thủ phạm dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị đau tức hạ sườn mới tìm đến bệnh viện khám.
Khi đó gan đã tổn thương, khối u to và làm xét nghiệm đều dương tính virus viêm gan B, virus viêm gan C. Có gia đình có nhiều người cùng mắc ung thư gan do viêm gan virus B gây ra.
Đại diện Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo những người bị viêm gan virus B, C cần phải theo dõi định kỳ từ 3 tới 6 tháng. Với các trường hợp viêm gan virus có xơ gan, thời gian khám sàng lọc cần tuân thủ theo chỉ định của bác sỹ như siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu để phát hiện các tổn thương ung thư gan sớm, từ đó giúp kéo dài cuộc sống của người bệnh.
Ngoài ra, nhiều người lạm dụng rượu kết hợp với viêm gan virus khiến tình trạng gan bị phá hủy ngày càng tăng. Có nhiều trường hợp xơ gan biến chứng chảy máu thực quản do lạm dụng rượu.
Bên cạnh đó, gánh nặng bệnh tật từ thừa cân, béo phì ngày càng tăng. Thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, lười vận động gây ra béo phì. Người béo thường đi kèm gan nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hóa gây viêm gan nhiễm mỡ không do rượu.
Hiện, ung thư gan vẫn là bệnh ung thư đứng số 1 ở đối tượng nam giới về tỷ lệ mắc và tử vong tại Việt Nam. Với những bệnh nhân mắc ung thư gan, xơ gan chi phí điều trị tốn kém do thuốc đắt đỏ, các loại thuốc mới kéo dài cuộc sống chưa lâu. Nhiều bệnh nhân không có triệu chứng rõ rệt nhưng khi đến viện khám bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Vì vậy, theo PGS.Long, việc sàng lọc trên đối tượng nguy cơ cao là chìa khóa giải quyết nguy cơ trở nặng, tử vong của bệnh lý ung thư gan, xơ gan.
Ngoài ra, để phòng các bệnh lý về gan, các bác sĩ khuyến cáo tiêm vắc-xin ngừa viêm gan B, thay đổi lối sống tránh thừa cân béo phì, hạn chế bia rượu, tăng cường luyện tập thể dục thể thao.
Còn quan điểm của bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm gan siêu vi B là tiêm phòng. Bên cạnh đó, cần hạn chế các cách có thể làm lây truyền virus viêm gan B.
Ngoài tiêm phòng, viêm gan siêu vi B cũng có thể được phòng ngừa bằng cách, không dùng chung kim tiêm hoặc các dụng cụ khác có thể đã tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể
Đeo găng tay nếu phải chạm vào máu hoặc vết thương hở; đảm bảo địa chỉ xăm hình/xỏ khuyên sử dụng các dụng cụ được vô trùng đúng cách
Không dùng chung đồ dùng cá nhân, chẳng hạn như bàn chải đánh răng, dao cạo râu hoặc đồ cắt móng tay, quan hệ tình dục an toàn.
Với câu hỏi sau khi tiêm vắc-xin viêm gan siêu vi B có cần xét nghiệm kháng thể để xem hiệu quả bảo vệ của vắc-xin, bác sĩ Hải cho rằng, điều này không cần thiết.
Sở dĩ như vậy là do, theo chuyên gia, việc xét nghiệm này không có ý nghĩa chứng minh là vắc-xin có hiệu quả hay không bởi vắc-xin một khi đã tiêm là có hiệu quả bảo vệ.
“Suy nghĩ nếu xét nghiệm có kháng thể thì chứng minh vắc-xin có hiệu quả và ngược lại vắc-xin không có hiệu quả là không đúng”, bác sĩ Tuấn Hải nêu.