Tiền ào ạt đổ vào cổ phiếu chứng khoán, VN-Index mất điểm vì VIC, VHM
Diễn biến điều chỉnh giảm của cổ phiếu VFS trên sàn Nasdaq đã tác động đến giao dịch của nhóm cổ phiếu Vin sáng nay. VIC, VHM lao dốc mạnh khiến VN-Index chịu tác động lớn, triệt tiêu đáng kể nỗ lực tăng giá ở nhóm blue-chips khác. Tuy vậy thị trường không quá xấu, đặc biệt nhóm cổ phiếu chứng khoán hút dòng tiền cực tốt và tăng đều...
Diễn biến điều chỉnh giảm của cổ phiếu VFS trên sàn Nasdaq đã tác động đến giao dịch của nhóm cổ phiếu Vin sáng nay. VIC, VHM lao dốc mạnh khiến VN-Index chịu tác động lớn, triệt tiêu đáng kể nỗ lực tăng giá ở nhóm blue-chips khác. Tuy vậy thị trường không quá xấu, đặc biệt nhóm cổ phiếu chứng khoán hút dòng tiền cực tốt và tăng đều.
Vốn hóa khá nhỏ trong nhóm cổ phiếu chứng khoán là hạn chế lớn nhất. Dù tăng tới 5,03% nhưng SSI cũng chỉ đứng thứ 3 trong nhóm các cổ phiếu kéo điểm mạnh nhất cho VN-Index. Dù vậy SSI là tín hiệu dẫn dắt cho cả nhóm, đặc biệt là khả năng thu hút dòng tiền.
Thanh khoản tại SSI sáng nay lên tới 1.122,6 tỷ đồng và 37,64 triệu cổ. Mới chỉ buổi sáng SSI đã lập kỷ lục về thanh khoản kể từ đầu năm 2023, hứa hẹn hôm nay sẽ là một ngày bùng nổ giao dịch. Dù chưa thể chốt ở giá cao nhất phiên nhưng SSI cũng đã vượt qua mức đỉnh ngắn hạn hồi cuối tháng 7/2023, đạt mức cao nhất 16 tháng.
Loạt cổ phiếu chứng khoán có thanh khoản rất cao khác là VND với 514,3 tỷ đồng, giá tăng 3,29%; VIX với 290,6 tỷ giá tăng 0,55%; HCM với 190,8 tỷ giá tăng 2,64%; VCI với 183,1 tỷ giá tăng 3,02%, thuộc top 15 cổ phiếu giao dịch lớn nhất thị trường sáng nay. Ngoài ra về giá, HSB đang chốt kịch trần, APS, VDS, SBS, ABW, EVS, FTS, BMS và khoảng chục mã khác đang tăng từ 3% tới 7%. VUA là cổ phiếu duy nhất giảm giá trong nhóm chứng khoán.
VN-Index chốt phiên sáng đang giảm 0,11% tương ứng mất 1,38 điểm với độ rộng khá hẹp 173 mã tăng/266 mã giảm. Ảnh hưởng lớn nhất là do sự sụt giảm sâu của VIC -2,65% và VHM -1,75%. Chỉ riêng 2 trụ này đã lấy đi 3,2 điểm khỏi VN-Index. Trong khi đó phải tới 7 cổ phiếu trong nhóm VN30 tăng giá mới kéo lại được khoảng 3,3 điểm, là HPG tăng 1,97%, VNM tăng 1,5%, SSI tăng 5,03%, FPT tăng 2,12%, CTG tăng 0,77% và MSN tăng 0,73%.
Diễn biến giảm giá của VIC và VHM cũng không khó đoán vì hôm qua các cổ phiếu nhóm Vin có hiệu ứng tăng giá mạnh từ giao dịch chào sàn của VFS trên sàn Nasdaq, nhưng đêm qua cổ phiếu này đã lao dốc mạnh. Việc có tham chiếu tới diễn biến giá VFS sẽ là một tác động hai chiều tới các cổ phiếu nhóm Vin trên sàn chứng khoán trong nước thời gian tới.
VN30-Index chốt phiên sáng tăng không đáng kể 0,02 điểm với 12 mã tăng/17 mã giảm. Trừ VIC và VHM cũng chỉ vài mã giảm đáng chú ý là BCM giảm 2,19%, STB giảm 1,37%, SSB giảm 1,36%, VRE giảm 1,27%. Có thể thấy hiện tại áp lực từ nhóm giảm không phải là số lượng, mà là biên độ ở hai trụ vốn hóa lớn nhất.
Với độ rộng tổng thể trên sàn HoSE không quá xấu, vẫn có khá nhiều mã đi ngược dòng tích cực. Trong 173 cổ phiếu còn trên tham chiếu, 49 mã tăng hơn 1%. Trừ các mã chứng khoán hàng đầu như SSI, VND, HCM, VCI, còn có HPG tăng 1,97% với thanh khoản lớn 759,3 tỷ đồng; GEX tăng 4,59% với 679,7 tỷ; PDR tăng 1,97% với 242,9 tỷ; VNM tăng 1,5% với 187,6 tỷ; FPT tăng 2,12% với 1608 tỷ…
Ngược lại số giảm dĩ nhiên chịu áp lực mạnh hơn, nhưng trong 266 mã giảm cũng mới có 96 mã giảm quá 1%. Trừ VIC, VHM, VRE và STB, cũng không nhiều cổ phiếu xuất hiện thanh khoản lớn đột biến thể hiện áp lực bán tháo. LDG giảm sàn sau thông tin giao dịch chui bị đình chỉ của chủ tịch công ty. HT1, HAX, EVG, BMP, VSC, PAN, FRT, APH, CRE, HHS… là các mã khác giảm giá với thanh khoản trong khoảng 10 tỷ tới 20 tỷ đồng.
Thanh khoản hai sàn niêm yết sáng nay tăng 26% so với sáng hôm qua, đạt 12.704 tỷ đồng. Dù vậy với độ rộng nghiêng nhiều về phía giảm, áp lực bán ở bình diện chung vẫn mạnh hơn. SSI, HPG, GEX, VND… là các động lực thanh khoản, nhưng giá vẫn mạnh mẽ. Điều này cho thấy yếu tố chọn lựa vẫn là quyết định về dòng tiền.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay có bắt đáy khá ấn tượng ở VIC khi giá giảm. Khoảng 3,48 triệu VIC được khối ngoại mua và mức ròng đạt 235,8 tỷ đồng. Ngoài ra HPG cũng được mua ròng 43,6 tỷ, VNM +288 tỷ, SSI +25,2 tỷ, CTG +20,4 tỷ. Phía bán ròng có chứng chỉ quỹ E1VFVN30 -39,6 tỷ, MSN -30,7 tỷ, VPB -24,7 tỷ là nhiều. Tổng cộng khối này vẫn đang mua ròng 117,1 tỷ đồng trên HoSE, bán ròng 33,9 tỷ trên HNX dồn vào PVS -27,3 tỷ và mua ròng không đáng kể trên UpCOM.