Tiền ảo: Công cụ của tội phạm mạng Việt
Tiền ảo đang là công cụ phạm tội
Có thể khẳng định, tiền ảo là một trong những tiện lợi mà nền kinh tế số mang lại cho người dùng. Không chỉ khiến việc mua bán, giao dịch hàng hóa theo hướng nhanh chóng, thuận lợi và tiết kiệm hơn mà đây cũng là một loại tài sản để đầu tư sinh lời. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó, nếu tiền ảo được sử dụng vào mục đích xấu thì việc ngăn chặn sẽ khó khăn hơn nhiều so với tiền thật bởi tính ẩn danh của người sở hữu.
Trên thực tế, từ nhiều năm nay, hàng loạt quốc gia trên thế giới đã phải “đau đầu” tìm cách ngăn chặn việc sử dụng tiền ảo làm công cụ thanh toán cho các hoạt động rửa tiền, buôn bán ma túy, mua bán người, đánh bạc … Và ở Việt Nam, đặc biệt là qua hơn 2 năm đại dịch Covid-19, xu hướng tiền ảo bị lợi dụng làm công cụ phạm pháp đã nhanh chóng nở rộ với quy mô cũng như cách thức thực hiện ngày càng lớn và tinh vi.
Điển hình là trường hợp đường dây đánh bạc qua mạng có quy mô toàn quốc với tổng giá trị lên đến 30.000 tỷ đồng do Đỗ Ngọc Hà, sinh năm 1984, thường gọi là “Hà Miên”, trú tại quận Long Biên (Hà Nội) cầm đầu vừa bị lực lượng công an triệt phá vào tháng 11/2021. Điểm khác biệt so với các đường dây đánh bạc khác là những đối tượng này đã sử dụng tiền ảo làm công cụ thanh toán do tính ẩn danh cũng như dễ dàng hơn trong quá trình tẩu tán tiền bất chính.
Theo đó, thay vì tổ chức sới bạc online theo truyền thống, các đối tượng đã tạo vỏ bọc bằng các khóa học đầu tư tài chính và tiền ảo. Khi người chơi ra nhập, việc đầu tư này sẽ được chuyển hướng sang đánh bạc. Toàn bộ quá trình đỏ đen này sẽ được thanh toán quá loại tiền ảo có tên USDT và thực hiện trên các trang web có máy chủ đặt ở nước ngoài.
Quá trình tìm kiếm người chơi của đường dây đánh bạc trực tuyến trên cũng rất bài bản và công phu khi được vận hành theo mô hình đa cấp. Điều này có nghĩa là cứ mỗi khi có người chơi mới tham gia, người giới thiệu sẽ được hướng một phần phí nhất định. Có lẽ bởi vậy, dù mới chỉ hoạt động có vài tháng, bắt đầu từ 4/2021 đến thời điểm bị triệt phá, đường dây này đã thu hút được hơn 3.000 người tham gia với tổng số tiền giao dịch vào khoảng hơn 1 tỷ Euro.
Tuy nhiên, theo lực lượng chức năng, việc triệt phá các đường dây đánh bạc online quy mô lớn thường gặp nhiều khó khăn do hệ thống đánh bạc có máy chủ đặt ở nước ngoài, hệ thống cơ sở dữ liệu trang web được bảo mật cao, nếu phát hiện bị lộ các đối tượng có thể đánh sập hệ thống hoặc xóa hết các dữ liệu … Bên cạnh đó có những vụ mà kẻ phạm tội còn tìm cách tẩu tán tài sản phạm pháp bằng cách chuyển qua những loại tiền điện tử như Bitcoin nhằm qua mặt cơ quan chức năng.
Không chỉ vậy, tiền ảo và đặc biệt là Bitcoin còn được sử dụng làm phương thức thanh toán hoặc tiền chuộc khi tin tặc thực hiện tấn công có chủ đích vào cá nhân hoặc doanh nghiệp. Trong khoảng 2 năm trở lại đây đã nở rộ lên tình trạng các đối tượng có hành vi gửi hàng loạt các thư điện tử tới hòm thư điện tử của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam với nội dung đe dọa là đã chiếm quyền điều khiển máy tính của nạn nhân và đòi tiền chuộc bằng Bitcoin. Nếu nạn nhân không thực hiện chúng sẽ phát tán toàn bộ thông tin trong máy lên mạng internet.
Do lo sợ ảnh hưởng đến công việc, danh dự, uy tín, sợ lộ bí mật riêng tư, nhiều nạn nhân đã chuyển tiền đến các địa chỉ ví do tin tặc để lại. Mặc dù rõ ràng đây là hành động phạm pháp nhưng do tính ẩn danh của các ví điện tử trên là rất cao nên việc lực lượng chức năng lần ra chủ nhân của chúng là vô cùng khó khăn và phức tạp.
Ngoài ra, trong năm 2021 cũng xảy ra nhiều vụ việc mua bán dữ liệu của cá nhân, daonh nghiệp mà tiền điện tử được sử dụng làm phương thức giao dịch. Có thể kể đến như: 17 GB dữ liệu thông tin cá nhân của người Việt bị rao bán trên mạng vào tháng 5/2021 hay Mã nguồn của phần mềm diệt virus Bkav bị chào mời mua lại vào tháng 8/2021.
Cần hành lang pháp lý cho tiền ảo
Nói về thực trạng tiền ảo đang là một trong những công cụ được tội phạm mạng Việt Nam sử dụng, Cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Tiên Phong cho biết, trong thời gian qua, các giao dịch đáng ngờ liên quan đến hoạt động cá độ, đánh bạc online, thanh toán tiền ảo, tiền số như Bitcoin đang có xu hướng gia tăng.
Phương thức thường được các đối tượng phạm pháp nói trên sử dụng là chuyển tiền lòng vòng giữa các cá nhân, tiền gửi vào và rút ra nhanh khỏi tài khoản, tài khoản phát sinh nhiều giao dịch chuyển khoản Internet Banking tần suất lớn trong ngày với nội dung là một đoạn mã, ký tự, dãy số, nickname. Để hợp thức hóa số tiền phạm pháp, kẻ gian đã mua tiền ảo trên các sàn giao dịch rồi rút tiền thật ở nước ngoài.
Việc ngăn chặn các loại hình phạm tội lợi dụng tiền ảo là không hề dễ dàng, đối mặt với loại hình tội phạm mới nay quy định của pháp luật đang gặp phải một số bất cập và hạn chế nhất định. Có thể kể đến như tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam do đó chưa được pháp luật bảo vệ.
Từ đó dẫn tới việc các hoạt động liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo có thể là các hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội nhưng quy định của Bộ luật Hình sự chưa bao quát được các trường hợp này. Do đó cần nghiên cứu, rà soát quy định của hệ thống pháp luật để xây dựng, hình thành hành lang pháp lý trong việc quản lý các đối tượng liên quan, ông Phạm Tiên Phong nói.
Đồng quan điểm luật sư Đặng Văn Vương cho rằng, ở Việt Nam, tiền ảo đang nằm trong “khoảng trống pháp lý” khi không bị pháp luật cấm nhưng cũng không được pháp luật thừa nhận.
Tiền ảo hiện đã xâm nhập vào các hoạt động đầu tư, quan hệ dân sự, tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân nên đòi hỏi phải nhanh chóng có các quy định pháp luật và có những biện pháp quản lý phù hợp để điều chỉnh các quan hệ pháp sinh liên quan đến tiền ảo, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, người dân và hạn chế các tội phạm liên quan đến tiền ảo.
Để hạn chế những hệ lụy về tiền ảo, cần mau chóng xây dựng khung pháp lý để xác định phạm vi đối tượng tiền ảo được điều chỉnh theo pháp luật. Trong đó cần quy định rõ việc trao đổi, mua bán, giao dịch đồng tiền ảo nhằm hạn chế những rủi ro đáng tiếc cho các cá nhân, tổ chức khi giao dịch tiền ảo.
Bên cạnh đó, nên đưa ngành nghề kinh doanh tiền ảo vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy hoạt động để tránh trường hợp kinh doanh ồ ạt, bừa bãi, lợi dụng kinh doanh tiền ảo để lừa đảo, rửa tiền hoặc thực hiện các hành vi phạm pháp khác. Đồng thời, cũng là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý và thu thuế liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo.
Ngoài ra, có nhiều đối tượng sẽ lợi dụng đồng tiền ảo để tiến hành rửa tiền, lừa đảo nên các cơ quan chức năng cần nâng cao nghiệp vụ trong việc phòng chống tội phạm trên không gian mạng trong thời đại công nghệ số như hiện nay, luật sư Đặng Văn Vương kết luận.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tien-ao-cong-cu-cua-toi-pham-mang-viet-445028.html