Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế
Một trong những điểm mới của dự thảo là tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi.
Chiều 22/4, tiếp tục phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến dự án Luật Địa chất và Khoáng sản. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh cho biết, quá trình thực thi Luật Khoáng sản năm 2010 còn một số hạn chế, như việc thu tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng khoáng sản còn gặp nhiều bất cập. Cụ thể là, tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản được phê duyệt chưa đảm bảo tính chính xác. Thu tiền cấp quyền khai thác trước khi tiến hành khai thác không tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ bản mỏ. Trường hợp khai thác không đủ trữ lượng được cấp phép hiện chưa có quy định việc hoàn trả tiền cấp quyền.
Một trong những điểm mới của dự thảo được Bộ trưởng đề cập là tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra cho biết, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành luật với những lý do như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thông tin, đánh giá tác động chính sách đầy đủ hơn đối với các nội dung chính sách mới, có tác động đến chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước; sử dụng ngân sách Nhà nước; mở rộng quyền của tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản; tiếp tục rà soát dự thảo luật với các luật liên quan.
Liên quan đến phân nhóm khoáng sản, cơ quan thẩm tra cơ bản thống nhất với quy định phân thành 4 nhóm khoáng sản như dự thảo luật, trong đó tách riêng nhóm khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường (nhóm III) và khoáng sản làm vật liệu san lấp (nhóm IV). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng một số loại khoáng sản có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau nên khó xác định thuộc nhóm khoáng sản nào, gây chồng chéo thẩm quyền quy hoạch khoáng sản giữa Bộ TN&MT và UBND cấp tỉnh. Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn các loại khoáng sản nhóm IV và làm rõ nội hàm khoáng sản “chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp” để đơn giản hóa thủ tục khai thác cát sông, cát biển làm vật liệu san lấp...
Thảo luận về nội dung này, Tổng Thư ký – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị xem xét bổ sung quy định về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến cát biển thay thế cát sỏi lòng sông, bởi đây là yêu cầu thực tiễn, đồng thời dẫn số liệu thống kê cả nước có 330 mỏ cát sông với trữ lượng khoảng 2,3 tỷ m3. Tổng Thư ký – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, chỉ đủ nhu cầu san lấp chứ chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng. Hơn nữa, khai thác cát, sỏi lòng sông cũng để lại nhiều hệ quả nhãn tiền, nhất là ảnh hưởng môi trường, biến đổi dòng chảy, sạt lở nhà cửa, đê điều, công trình xây dựng.
Tổng Thư ký – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho biết, trữ lượng cát biển của nước ta khoảng 196 tỷ m3, nhưng chưa đủ hành lang pháp lý khai thác, sử dụng nên dẫn tới chậm hoặc không thể thăm dò, khai thác do chưa có quy trình kỹ thuật chuẩn hướng dẫn. “Để hạn chế và tiến tới dừng khai thác cát sỏi lòng sông, chuyển sang cát biển thay thế thì luật nên quy định về quy hoạch, khai thác cát biển để có cơ sở pháp lý phục vụ nhu cầu sử dụng cát biển trong tương lai” – Tổng Thư ký – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu.
Góp ý vào dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ nhiều nội dung, trong đó, rà soát các quy định việc quản lý, sử dụng các loại tài nguyên như đất đai, nước, khoáng sản; đấu giá quyền khai thác, cấp phép khai thác khoáng sản; việc sử dụng dữ liệu điều tra khai thác khoáng sản… “Nhà nước mất rất nhiều tiền cho việc điều tra dữ liệu khai thác khoáng sản. Vì vậy, quy định việc các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế sử dụng dữ liệu này phải trả phí như thế nào, có coi đây là tài sản không? Nguyên tắc thu phí như thế nào?" – Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi. Đồng thời cho biết, trong khai thác dầu khí có quy định thu tiền “đọc tài liệu”, đây là chi phí rất lớn của ngành dầu khí.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc cần quan tâm đến sự giao thoa giữa các luật. “Ví dụ luật này không đề cập vấn đề dầu khí nhưng nói đến than bùn, than nâu và thực tế có mỏ than khó khai thác song khí than lại có thể khai thác. Điều này dẫn đến có sự giao thoa trong quản lý của Tập đoàn Than khoáng sản và Tập đoàn Dầu khí, đòi hỏi vai trò quản lý tổng hợp, do đó cần làm rõ nguyên tắc phân chia. Hay dự thảo đề cập khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, song chưa rõ thẩm quyền quyết định đưa vào dự trữ là của Thủ tướng Chính phủ, bộ hay địa phương…” – Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.