Tiền đề để thu ngân sách có thể vượt dự toán

'Thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 khả quan khi đạt 60% dự toán năm, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Đây là tiền đề quan trọng để thu ngân sách năm 2024 đạt, thậm chí có thể vượt dự toán năm” - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiến, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing (Bộ Tài chính) đã nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới.

Người nộp thuế giao dịch tại Chi cục Thuế quận Đống Đa (Cục Thuế thành phố Hà Nội). Ảnh: Quang Thái

Người nộp thuế giao dịch tại Chi cục Thuế quận Đống Đa (Cục Thuế thành phố Hà Nội). Ảnh: Quang Thái

- Ông đánh giá như thế nào về kết quả thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2024?

- Thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 1.020 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 60% dự toán năm và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức.

Đồng thời, Nhà nước đã và đang áp dụng nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân dẫn đến giảm nguồn thu như gói giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ tháng 7-2023 đến hết năm 2024; gia hạn nhiều loại thuế và phí đến hết năm 2024… Những giải pháp này tạo áp lực không nhỏ lên nguồn thu ngân sách nhà nước.

- Theo ông, trong bối cảnh đó, những yếu tố nào giúp đạt kết quả khả quan như vậy?

- Nhà nước đã áp dụng nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mở rộng sản xuất, kinh doanh, đây chính là thực hiện chính sách nuôi dưỡng nguồn thu.

Bên cạnh đó, ngành Thuế áp dụng nhiều biện pháp quản lý phù hợp như tăng cường nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử: Sàn thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh bán hàng online… Đây là các nguồn thu trước đây chưa thu được hoặc mới thu rất ít.

Ngành Thuế cũng đẩy mạnh áp dụng ứng dụng eTax Mobile để tăng cường quản lý thu thuế thu nhập cá nhân, từ đó nhiều người dân đã tích cực, tự giác chủ động nộp thuế (thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng qua thực hiện đạt 61,9% dự toán năm). Rồi việc triển khai 100% hóa đơn điện tử, kể cả trong kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là kinh doanh vàng bạc cũng có tác động làm gia tăng nguồn thu đáng kể.

Rõ ràng, ngành Thuế đã tăng cường nhiều nguồn thu mà trước đây chưa thực hiện hiệu quả để bù đắp những thiếu hụt nguồn thu do áp dụng các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp.

- Kết quả này sẽ là tiền đề để thu ngân sách có thể vượt dự toán trong năm nay không, thưa ông?

- Đúng là như vậy. Trong 6 tháng đầu năm, thu ngân sách đã đạt 60% dự toán năm, tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Đó chính là tiền đề quan trọng để 6 tháng cuối năm hy vọng đạt mục tiêu, thậm chí vượt mục tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2024. Đó cũng là những tín hiệu tích cực về thu ngân sách nhà nước năm 2024 trong nửa đầu năm nay.

- Thưa ông, từ nay đến cuối năm, thu ngân sách nhà nước có thuận lợi và khó khăn gì?

- Thuận lợi là công tác thu đang có đà thu của 6 tháng đầu năm. Quy luật thông thường cho thấy, những năm nào 6 tháng đầu năm đạt tỷ lệ thu cao thì 6 tháng cuối năm cũng sẽ về đích tốt. Bên cạnh đó, những tháng cuối năm nền kinh tế thường khởi sắc hơn, sức mua trên thị trường cũng tốt hơn nên các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh mở rộng sản xuất, kinh doanh, kinh doanh có lãi và nộp ngân sách tăng.

Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm cũng không thể chủ quan bởi nền kinh tế vẫn còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là khu vực xuất khẩu, khi thị trường thế giới phục hồi chậm. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vẫn phải sản xuất cầm chừng. Đáng chú ý, thị trường bất động sản chưa hồi phục trong khi vẫn phải tiếp tục thực hiện các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế. Ngoài ra, theo chính sách mới ban hành, kể từ ngày 1-7 đến hết 31-12-2024, Nhà nước cho phép giảm từ 10% đến 50% với 36 khoản phí, lệ phí.

- Vậy, để thu ngân sách hoàn thành và phấn đấu vượt dự toán, cần những giải pháp gì?

- Tôi cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chống thất thu ở tất cả sắc thuế, tăng cường tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người dân thực hiện nghiêm các luật thuế; đồng thời đẩy mạnh hoạt động thanh tra, giám sát thực hiện. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị, không chỉ riêng ngành Thuế, ngành Hải quan.

Ngành Thuế cần tăng cường kiểm soát hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, triệt để khai thác nguồn thu từ lĩnh vực này. Tiếp đến là sớm nghiên cứu áp dụng thu thuế với cá nhân đầu tư kinh doanh vàng. Lĩnh vực này đang thất thu khá lớn. Trong khi cá nhân kinh doanh lĩnh vực khác như chứng khoán, bất động sản đều phải đóng thuế thì người đầu tư kinh doanh vàng cá nhân vẫn chưa phải đóng thuế. Cùng với đó là áp dụng biện pháp tăng cường quản lý và đôn đốc thu thuế với thuế thu nhập cá nhân.

Ngoài ra, ngành Thuế cũng cần chủ động theo dõi sát tình hình sản xuất, kinh doanh, diễn biến sức khỏe của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nội địa để chủ động tham mưu với Chính phủ biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Ngành Thuế cũng cần bảo đảm thu thuế với các doanh nghiệp sau khi được hỗ trợ đã hồi phục kinh doanh và hoạt động có hiệu quả, đôn đốc nghĩa vụ thuế với các khoản giãn, hoãn đã đến hạn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tien-de-de-thu-ngan-sach-co-the-vuot-du-toan-671928.html