Tiền điện tăng gấp 3, cuộc sống về đêm ở Anh là nạn nhân đầu tiên
Các hóa đơn tăng vọt, cùng với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến những hộp đêm, quán bar rơi vào tình cảnh khó khăn, không biết liệu có thể trụ vững tới năm sau.
Hai năm qua là quãng thời gian đầy bất động đối với cuộc sống về đêm ở Vương quốc Anh.
Năm 2020, những hạn chế Covid-19 đã đẩy các hộp đêm và điểm tụ tập vào thế bí, gây ra nhiều tổn thất tài chính lớn và thay đổi hoàn toàn tương lai của nhiều người. Cứ 1 trên 5 hộp đêm ở xứ sương mù phải đóng cửa kể từ khi đại dịch bùng phát, theo số liệu của Hiệp hội những ngành nghề hoạt động về đêm Anh (NTIA).
Còn hiện nay, nước Anh đang trải qua những tháng khủng hoảng năng lượng dường như không có hồi kết, theo VICE. Mức trần giá điện cho các hộ gia đình đã tăng 54% trong tháng 4, từ 1.227 bảng Anh/năm lên 1.971 bảng.
Đầu tháng 10, mức trần có thể sẽ tăng 80%, tức khoảng 3.500 bảng Anh/năm, nhưng tân Thủ tướng Liz Truss dự kiến áp mức giá trần 2.500 bảng Anh/năm. Song điều này vẫn có thể đẩy các hộ gia đình vào cảnh nghèo túng.
Các quán rượu, hộp đêm và điểm vui chơi về đêm cũng rơi vào cảnh khó khăn. Vào tháng 8, một lá thư được ký bởi 5 tổ chức về ngành dịch vụ, bao gồm NTIA, Tổ chức Dịch vụ Vương quốc Anh, Quỹ tín nhiệm về địa điểm biểu diễn âm nhạc, Viện Quản lý Nhà trọ Anh và Hiệp hội bia và quán rượu Anh, đã gọi cuộc khủng hoảng này là “vấn đề khẩn cấp hiện hữu”.
Họ cho biết "những thách thức quen thuộc về chuỗi cung ứng, thiếu lao động, lãi suất và lạm phát" cùng với giá năng lượng tăng nhanh là lý do khiến nhiều địa điểm và ngành nghề gặp rủi ro. Về cơ bản, ngành dịch vụ sẽ phải gánh chịu một sốc lớn.
Paul McGann, chủ sở hữu của quán cà phê Avalon Cafe ở Bermondsey (London), chi phí năng lượng gây tác động lớn nhất đến việc kinh doanh trong số những khó khăn liên quan đến giá cả gần đây.
“Tiền điện của quán tăng 100% vào tháng 3. Vào thời điểm đó, tôi tưởng mức giá ấy đủ thảm họa rồi bởi quá cao. Thế nhưng, nó chỉ bằng 1/3 so với mức giá hiện nay. Cuộc sống về đêm sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên”, anh nói.
Không giống các hộ gia đình, hóa đơn năng lượng của các địa điểm thương mại, như hộp đêm hay điểm biểu diễn âm nhạc, không có mức giá trần. Thay vào đó, họ thanh toán tiền điện theo tỷ giá thị trường trong suốt hợp đồng đã ký của họ.
McGann cho biết anh vẫn còn được coi là may mắn khi chỉ phải trả gấp đôi so với năm 2021. Theo bức thư của 5 tổ chức ngành dịch vụ, mức tăng hóa đơn trung bình hàng năm cho những địa điểm hoạt động về đêm hiện rơi vào khoảng 300%.
Dalston Superstore, một trong những quán bar đồng tính được yêu thích nhất và còn tồn tại ở phía đông London, cũng chịu cảnh thảm khốc tương tự. Hóa đơn tiền điện của họ tăng từ 14.000 bảng lên 65.000 bảng/năm, tương đương 300%.
Các hóa đơn tăng vọt cùng với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến các địa điểm rơi vào tình cảnh khó khăn, không biết liệu có thể trụ vững tới năm sau.
“Nếu khách hàng cũng đang gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền điện, liệu họ có đến hàng quán để tiêu tiền nữa không?”, McGann nói.
Tuy nhiên, hầu hết chủ quán không tăng giá dù thu về ít lợi nhuận hơn. Matt Tucker, chủ quán Dalston Superstore, cho biết anh hiểu rằng ai cũng đều đang cảm thấy áp lực.
“Nỗi căng thẳng sẽ càng dâng cao khi gần tới Giáng sinh, đặc biệt những người trẻ tuổi không dư dả tiền bạc. Bởi vậy, chúng tôi cố gắng giữ mọi thứ ở mức giá cả phải chăng”, anh nói.
Cho đến nay, chính phủ Anh không có khoản hỗ trợ nào dành cho các hộp đêm và địa điểm biểu diễn. Nếu tình trạng này tiếp diễn, việc đóng cửa là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, các chủ hàng quán vẫn nỗ lực tồn tại bằng mọi giá.
“Chúng tôi đã sống sót được thời kỳ khó khăn trước đây, nên hy vọng chúng tôi sẽ tìm ra cách vượt qua thách thức này”, McGann cho biết.