Tiền điện tử có thể giúp Nga 'né' các lệnh trừng phạt của phương Tây?
Giới phân tích nhận định Nga và các ngân hàng của nước này hoàn toàn có thể xem xét sử dụng tiền điện tử vì chúng có thể coi là đại diện cho một phương tiện trao đổi quốc tế thay thế cho đồng USD.
Hồi tháng 1/2022, khi thảo luận về thế giới phức tạp của tiền điện tử, Tổng thống Nga Vladimir Putin đơn giản chia sẻ nước này cũng có những lợi thế cạnh tranh nhất định trong lĩnh vực đó, đặc biệt trong hoạt động “đào” tiền ảo.
Giới quan sát cho rằng sau một loạt các lệnh trừng phạt tài chính nghiêm trọng do phương Tây áp đặt vào cuối tuần trước, nhà lãnh đạo Nga có thể cân nhắc tận dụng những lợi thế đó.
Phát biểu trên của Tổng thống Putin được đưa ra vài ngày sau khi ngân hàng trung ương nước này đề xuất một lệnh cấm toàn diện đối với hoạt động “đào tiền” và kinh doanh tiền điện tử.
Như trường hợp của bitcoin, đào tiền là quá trình tiêu tốn nhiều năng lượng, trong đó máy tính xác minh các giao dịch bitcoin mới - đưa chúng vào một sổ cái ảo được gọi là blockchain (chuỗi khối) rồi tạo ra những đồng bitcoin mới như một phần thưởng cho công việc đó.
Ngân hàng Trung ương Nga đã nhấn mạnh rằng việc khai thác tiền điện tử kéo theo những rủi ro đáng kể đối với nền kinh tế và sự ổn định của hệ thống tài chính Nga. Song chỉ khoảng một tuần sau, Tổng thống Putin lại chỉ ra rằng Nga có lợi thế trong việc khai thác tiền điện tử nhờ nguồn năng lượng khổng lồ và chuyên môn trong lĩnh vực này.
* Một lựa chọn đáng cân nhắc…
Những lo ngại về kinh tế Nga đã trở nên sâu sắc hơn sau khi phương Tây gây áp lực lớn lên hệ thống tài chính nước này thông qua một loạt lệnh trừng phạt mới.
Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Vương quốc Anh và Canada đã nhắm tới nguồn dự trữ ngoại tệ trị giá 640 tỷ USD của Nga, bằng cách ngăn chặn Ngân hàng Trung ương Nga triển khai nguồn dự trữ này theo “những cách thức giúp giảm tác động của các lệnh trừng phạt”.
Những nước trên cũng thông báo rằng một số ngân hàng Nga sẽ bị "ngắt khỏi" SWIFT, hệ thống thông tin thanh toán toàn cầu được các ngân hàng sử dụng để thực hiện giao dịch tiền tệ xuyên biên giới.
Trong bối cảnh đó, giới phân tích nhận định Nga và các ngân hàng của nước này hoàn toàn có thể xem xét sử dụng tiền điện tử vì chúng có thể coi là đại diện cho một phương tiện trao đổi quốc tế thay thế cho đồng USD.
Tiền điện tử cũng có thể “né” hệ thống ngân hàng quốc tế, vốn là chìa khóa để thực thi các biện pháp trừng phạt – và đóng vai trò như một “trạm nghe ngóng” cho các giao dịch tài chính trên toàn thế giới thông qua cách thức mới để thực hiện các giao dịch xuyên biên giới. Đây là đặc điểm mà các cơ quan giám sát và ngân hàng trung ương không hề ưa thích ở tiền điện tử.
Một số quốc gia đã chuyển sang bitcoin để tránh các lệnh trừng phạt. Iran, một quốc gia chịu lệnh trừng phạt "nặng nề" nhưng có nguồn dự trữ nhiên liệu hóa thạch đáng kể, đã chuyển đổi nguồn năng lượng dư thừa của mình thành tiền mặt bằng cách mua bitcoin từ các công ty khai thác có trụ sở tại Iran, rồi sử dụng đồng tiền này để mua hàng nhập khẩu.
Ông David Carlisle, Giám đốc chính sách và quy định của công ty chuyên về tư vấn bảo mật blockchain Elliptic cho biết khai thác tiền điện tử là một trong những lựa chọn khả thi nhất đối với Nga. Nước này vốn đã là quốc gia khai thác bitcoin lớn thứ ba thế giới, theo dữ liệu do Đại học Cambridge tổng hợp.
Chuyên gia của Elliptic cho biết thêm sau khi sở hữu một lượng lớn bitcoin, Nga có thể sử dụng số bitcoin đó để thanh toán cho việc nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ mà nước này có thể khó tiếp cận do các hạn chế từ Mỹ cùng châu Âu.
Ngoài ra, còn có các lựa chọn khác thay thế cho tiền điện tử. Việc cắt đứt quyền tiếp cận hệ thống SWIFT của các ngân hàng Nga có thể khuyến khích Trung Quốc củng cố mạng lưới thanh toán non trẻ của riêng nước này là CIPS. Thậm chí còn một biện pháp khác có vẻ trong tầm với hơn: Ngân hàng Trung ương Nga đang phát triển đồng ruble kỹ thuật số của riêng mình.
* … Nhưng sẽ không hoàn toàn dễ thực hiện
Khi xuất hiện ngày một nhiều đồn đoán về khả năng này, tờ Wall Street Journal hồi tuần trước đã đưa tin Chính phủ Mỹ đang xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với thị trường tiền điện tử của Nga.
Dù việc ban hành các biện pháp trừng phạt đối với tiền số sẽ rất khó khăn vì chúng đa phần được thiết kế để nằm ngoài hệ thống tài chính chính thức, song việc này không hẳn là bất khả thi theo đánh giá của giới chuyên gia.
Theo công ty phân tích blockchain Chainalysis, bản chất minh bạch của các blockchain khiến việc sử dụng tiền điện tử để né tránh các biện pháp trừng phạt trở nên khó khăn. Bà Caroline Malcolm, người đứng đầu bộ nghiên cứu và chính sách công quốc tế tại Chainalysis cho biết các hoạt động trốn tránh lệnh trừng phạt đều sẽ bị ghi lại trên các sổ cái blockchain công khai, vĩnh viễn và bất biến.
Về phần doanh nghiệp, mới đây nhất vào ngày 28/2, sàn giao dịch tiền điện tử Binance cho biết họ sẽ chặn tài khoản của bất kỳ khách hàng Nga nào bị nhắm mục tiêu bởi các lệnh trừng phạt.
Theo ông Carlisle, Chính phủ Nga có thể sử dụng một mạng lưới trao đổi riêng để "giữ kín" quyền sở hữu tiền điện tử. Ngoài ra còn có các loại tiền điện tử rất khó theo dõi, chẳng hạn như Monero chuyên tập trung vào bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
Song ông Carlisle cũng thừa nhận rằng quy mô của các hạn chế tài chính áp đặt lên kinh tế Nga lớn đến mức thị trường tiền điện tử sẽ không đủ để giúp nước này đối phó tất cả các lệnh trừng phạt. Chuyên gia này chỉ ra tổng tài sản trong lĩnh vực ngân hàng của Nga hiện vào khoảng là 1,4 tỷ USD - gần bằng quy mô của toàn bộ thị trường tiền điện tử thế giới.
Chia sẻ quan điểm trên, ông Eric Michaud, đồng sáng lập của hội nghị chuyên về bảo mật blockchain có tên Off The Chain cho biết với thị trường tiền điện tử còn trong giai đoạn sơ khai, những đồng tiền phi tập trung này thiếu các cơ quan chính thức và cơ sở hạ tầng cần thiết để có thể phục vụ các thực thể tài chính lớn như Nga./.