'Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội'
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, ngày 30/5, Quốc hội dành trọn ngày để giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Trình bày báo cáo của đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, sau khi Luật quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 7 luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 43 nghị định; các bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn. Đến nay công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành.
Kết quả giám sát cho thấy tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội và đến nay còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025.
Do tiến độ lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch chậm nên phải tiếp tục kéo dài thời hạn và điều chỉnh quy hoạch hiện hành thời kỳ 2011-2020 vì vậy đang tồn tại song song, đồng thời áp dụng hai loại quy hoạch.
Kết quả chưa được như kỳ vọng do công tác quy hoạch có nhiều nội dung mới và phức tạp, cơ quan trình (Chính phủ), cơ quan soạn thảo (Bộ Kế hoạch - đầu tư), cơ quan thẩm định (Bộ Tư pháp), cơ quan thẩm tra (Ủy ban Kinh tế), các cơ quan phối hợp chưa lường hết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn dẫn đến Luật Quy hoạch còn bất cập, vướng mắc khi triển khai trong thực tế.
Tại kỳ hợp, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị các đại biểu thảo luận về các vấn đề được nêu trong báo cáo, cụ thể:
Thứ nhất, đánh giá của các đại biểu Quốc hội về việc tham mưu cho Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành"; hiệu quả triển khai của Đoàn giám sát cũng như của các bộ, ngành, đia phương.
Thứ hai, những căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn cũng như sự cố gắng, nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành về việc ban hành Luật Quy hoạch và các luật liên quan; hiệu quả của việc ban hành Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tháo gỡ khó khăn trong tổ chức, thực hiện Luật Quy hoạch.
Thứ ba, cho ý kiến về những hạn chế, bất cập xung quanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và công bố quy hoạch của các cấp các ngành; về sự tồn tại song hành, áp dụng cả hai loại quy hoạch hiện nay; về nội hàm của quy hoạch tổng thế quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; về khái niệm tích hợp quy hoạch; về sự thay thế, bãi bỏ các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm trước đây bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; về phân kỳ đầu tư triển khai các dự án quy hoạch…
Thứ tư, cho ý kiến về những đề xuất của Đoàn giám sát, trong đó có việc cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.