Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội
Sáng 30/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các đại biểu đã nghe Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành' và thảo luận tại hội trường về nội dung này.
Báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu lên những kết quả đạt được, đặc biệt là nhận diện, chỉ rõ những nút thắt, điểm nghẽn trong thực hiện Luật Quy hoạch, đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đã được xây dựng và ban hành tạo hành lang pháp lý cần thiết để triển khai lập và tổ chức thực hiện quy hoạch. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành. Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 110/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 41/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh. Một số Bộ, ngành, địa phương đã có quyết tâm cao, khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ nên đến nay, có 07/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 04 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi Luật Quy hoạch, như một số quy định còn có các cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất ở các cấp, các ngành về một số nội dung trong Luật. Hoạt động quy hoạch được điều chỉnh ở nhiều văn bản luật và có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng.
Ông VŨ HỒNG THANH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:“Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 cũng bị đánh giá là rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội và thực tiễn, đến nay còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt. Điều này dẫn đến phải tiếp tục kéo dài thời hạn và điều chỉnh Quy hoạch hiện hành thời kỳ 2011 - 2020, vì vậy đang tồn tại song song, đồng thời áp dụng hai loại quy hoạch… Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch đô thị được ban hành từ năm 2009. Tuy nhiên, Luật Xây dựng và Luật Đất đai có nhiều quy định liên quan đến quy hoạch đô thị đã được sửa đổi nhiều lần, thậm chí ban hành mới. Do vậy, có nhiều quy định chưa đồng bộ, thống nhất giữa pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng và pháp luật về đất đai."
Bên cạnh đó, ngoài những nguyên nhân khách quan, thì nguyên nhân nhân chủ quan được cho là chủ yếu. Công tác tổ chức thực hiện lập quy hoạch ở các cấp, các ngành, địa phương còn nhiều hạn chế.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch trong thời gian tới, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết, trong đó có một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch. Theo đó, cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.
Ông VŨ HỒNG THANH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:“Đề nghị Chính phủ Chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các quy định về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành; rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành không đúng thẩm quyền, có quy định chưa phù hợp hoặc không thống nhất với Luật Quy hoạch, làm phát sinh thêm quy trình thủ tục hoặc quy định thêm nội dung quy hoạch. Chỉ đạo khẩn trương hoàn thành lập, phê duyệt hoặc quyết định các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; ưu tiên tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp thiết, ảnh hưởng đến việc thực hiện Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế xã - hội của đất nước.”
Về Giải pháp trung và dài hạn, Báo cáo đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.