Tiến độ triển khai chính sách tiền lương mới từ 1/7 thế nào?
Bộ Nội vụ được phân công là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Nhà nước, cho nên được chủ trì, tham mưu một số việc về chính sách tiền lương.
Chiều 2/3 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024.
Tại buổi họp, báo chí đặt câu hỏi với đại diện Bộ Nội vụ về chính sách tiền lương mới, trong đó đề cập tiến độ hoàn thành các văn bản hướng dẫn để triển khai chính sách tiền lương mới từ 1/7 tới đây sẽ như thế nào? Khi nào việc xây dựng vị trí việc làm để cải cách tiền lương sẽ được hoàn thành?.
Trả lời câu hỏi trên, bà Nguyễn Bích Thu, Quyền Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) cho biết, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; căn cứ Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 104/2025/QH15 của Quốc hội khóa XV, ngay sau khi có các nghị quyết và kết luận của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ngay Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/1/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Trong kế hoạch này quy định rất rõ các nhiệm vụ, nội dung cụ thể và phân công, phân nhiệm rất rõ ràng cho các bộ, cơ quan, địa phương để triển khai thực hiện tốt nhất mục tiêu của nghị quyết và bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.
Trong đó, Bộ Nội vụ được phân công là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Nhà nước, cho nên được chủ trì, tham mưu một số việc:
Thứ nhất, xây dựng tờ trình báo cáo Bộ Chính trị các nội dung cụ thể về chế độ tiền lương mới, đồng thời cũng phải biết được các tác động khi cải cách chính sách tiền lương đối với chính sách BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và các trợ cấp xã hội. Đây là báo cáo chúng tôi phải triển khai ngay sau khi có chỉ đạo.
Thứ hai, sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, phải xây dựng dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Sau đó, các năm sau cũng phải xây dựng nghị định điều chỉnh chế độ tiền lương theo Kết luận 64.
"Nhiệm vụ nữa là phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng các văn bản quy phạm để triển khai chế độ tiền lương mới", bà Nguyễn Bích Thu, Quyền Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) thông tin và cho biết hiện nay, về nhiệm vụ xây dựng tờ trình báo cáo Bộ Chính trị, chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ để chuẩn bị trình cho các cấp có thẩm quyền trước khi trình xin ý kiến Bộ Chính trị. Sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến, đây sẽ là cơ sở cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành văn bản. Cụ thể, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Quốc hội sẽ có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Quốc hội, HĐND cấp tỉnh và cấp huyện, tòa án, viện kiểm sát, kiểm toán Nhà nước. Bên Đảng sẽ có quyết định của Ban Bí thư về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan Đảng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
"Sẽ có trên 10 thông tư để hướng dẫn triển khai. Bộ Nội vụ hết sức cố gắng và sẽ bảo đảm tiến độ theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ ban hành", bà Nguyễn Bích Thu nói.