Tiền đổ vào chứng khoán
Chứng khoán liên tục tăng điểm trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ở mức thấp khiến làn sóng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường tiếp tục tăng cao.
Anh Thành (27 tuổi, TP.HCM) dành phần lớn thời gian để kiểm tra các tin nhắn của các hội nhóm thảo luận về chứng khoán. “Vào mã này, giá chuẩn bị chạy”, “mua cổ phiếu này đi sắp ra tin tốt”, anh Thành liên tục xem thông tin về các tin nhắn phím hàng.
Năm trước, anh Thành gửi tiết kiệm 500 triệu đồng tại một ngân hàng tư nhân và hưởng lãi suất 7,2%/năm. Nhưng đến khi hết kỳ hạn 1 năm và tài khoản tiết kiệm tự động tái tục vào đầu tháng 1, anh nhận thông báo lãi suất của ngân hàng giảm chỉ còn 6,2%/năm.
Lãi suất thấp hơn trước càng khiến anh Thành phân vân liệu có nên rút hết tiền trong tài khoản tiết kiệm để đổ thêm vào chứng khoán hay không.
Rút bớt tiền gửi ngân hàng để mua cổ phiếu
Từng bỏ khoảng gần 100 triệu đồng vào tài khoản chứng khoán từ năm 2019 nhưng anh Thành đã bán hết cổ phiếu vào tháng 3/2020 khi thị trường chạm đáy. Sau đó, dù thị trường bắt đầu hồi phục trở lại nhưng anh Thành vẫn đứng ngoài.
Đến khi VN-Index vượt 1.000 điểm, nghe bạn bè khoe lợi nhuận tới vài chục phần trăm chỉ trong 1-2 tháng, anh mới thấy sốt ruột và quyết định tham gia lại.
“Một người chị khuyên mình nên rút bớt tiền tiết kiệm trong ngân hàng, tranh thủ cơ hội kiếm tiền trên sàn chứng khoán. Lãi suất tiền gửi 6% một năm thấp hơn cả một phiên tăng trần của cổ phiếu (7% trên sàn HoSE, 10% trên HNX và 15% trên UPCoM). Chị ấy còn khoe có những mã trong tài khoản lời đến 40-50% sau chưa đầy một tháng đầu tư”, anh Thành kể.
Chị Nguyên (35 tuổi, Hà Nội) làm nghề thiết kế đồ họa, từ trước đến nay không quan tâm nhiều đến lĩnh vực tài chính hay đầu tư. Nhưng khi thấy người người, nhà nhà bàn về cơ hội kiếm tiền trên sàn chứng khoán, chị cũng không muốn đứng ngoài. Ngại việc mở tài khoản, tìm hiểu thị trường, giao dịch, chị Nguyên gom tiền nhàn rỗi hơn 100 triệu gửi người bạn thân nhờ đầu tư hộ.
“Mình bỏ tiền vào tài khoản chứng khoán của bạn, họ tùy ý mua bán cổ phiếu. Nếu sau 6 tháng có lãi thì chia nhau theo tỷ lệ góp tiền cộng với một ít phí đầu tư hộ. Nếu lợi nhuận ổn mình sẵn sàng đưa thêm vài trăm triệu nữa cho bạn”, chị Nguyên chia sẻ.
Số tài khoản mới lập kỷ lục sau từng tháng
Làm nghề môi giới tại một công ty chứng khoán ở TP.HCM gần 3 năm nay, anh Phong khẳng định chưa bao giờ thấy nhà đầu tư mới mở tài khoản nhiều như hiện tại. Anh Phong cho biết số lượng tài khoản chứng khoán mình đang quản lý tăng dần từ lúc dịch Covid-19 bùng phát. Đây cũng là thời điểm nhiều người phải ở nhà, thu nhập bị ảnh hưởng do đại dịch nên tìm kênh đầu tư kiếm thêm thu nhập.
Trước đây, môi giới như anh Phong phải chủ động tìm kiếm, mời gọi khách hàng mở tài khoản. Nhưng hiện tại, nhiều người tự tìm đến công ty chứng khoán qua Internet và sự giới thiệu của các khách hàng đi trước khi lợi nhuận trên thị trường này thời gian qua hấp dẫn hơn nhiều kênh đầu tư khác.
Anh Phong cho biết ngoài việc số lượng tài khoản mới tăng, khách hàng của anh cũng đổ vốn nhiều hơn vào chứng khoán so với trước, đăng ký thêm dịch vụ ký quỹ. Một số khách hàng sau khi chốt lời trên thị trường cơ sở chuyển sang giao dịch phái sinh để mua bán ngay trong phiên.
Chiếm tỷ lệ lớn nhất và giao dịch sôi nổi nhất trong nhóm khách hàng mới của anh Phong là những người độ tuổi 20-40. Trong khi đó, những khách hàng đứng tuổi hơn và có nhiều kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán giao dịch ổn định hơn.
Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), hơn 63.000 tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước được mở mới trong tháng 12/2020. Con số này cao hơn gần 50% so với tháng trước đó và đồng thời là kỷ lục trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Những ngày đầu tháng 1, hiện tượng nhà đầu tư mới tiếp tục đổ xô mở tài khoản chứng khoán để giao dịch vẫn tiếp diễn. Nhiều phòng giao dịch của các công ty chứng khoán lớn ghi nhận cảnh khách hàng xếp hàng chờ hoàn tất thủ tục mở tài khoản.
Trao đổi với Zing, đại diện VNDirect cho biết trong 2 tuần đầu tháng 1, công ty này ghi nhận hơn 8.300 tài khoản chứng khoán cơ sở mở mới, tăng 48% so với cùng kỳ tháng 12/2020, vốn là tháng kỷ lục trước đó. SSI, công ty chứng khoán đứng đầu về thị phần môi giới cũng cho biết mức tăng kỷ lục về số tài khoản mở mới trong 2 tuần đầu năm 2021, gấp 2 lần so với tháng trước và gấp 5 lần so với cùng kỳ 2020 nhưng không chia sẻ con số cụ thể. Đại diện SSI thông tin thêm 70% trong số đó là nhà đầu tư mới hoàn toàn "F0".
Cơn sốt chứng khoán của nhà đầu tư mới cũng kéo theo dòng tiền đổ vào thị trường liên tục tăng. Trong tháng 12/2020, giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE thiết lập mặt bằng kỷ lục mới hơn 10.000 tỷ/phiên với kỷ lục 13.500 tỷ.
Nhưng bước sang tháng 1, con số này đã trở thành quá khứ khi mặt bằng thanh khoản khớp lệnh được kéo lên tới hơn 15.000 tỷ/phiên, có phiên kỷ lục đạt hơn 16.200 tỷ trên sàn HoSE. Kéo theo đó là tình trạng khó khớp lệnh khi quá tải lệnh giao dịch về cuối ngày tiếp tục tiếp diễn dù đơn vị giao dịch đã được tăng 10 lần từ 10 lên 100 cổ phiếu/lệnh.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tien-do-vao-chung-khoan-post1173445.html