Tiền dồi dào, lãi suất cho vay được kỳ vọng giảm thêm
Mặc dù bị hút ròng nhưng lãi suất trên liên ngân hàng tiếp tục có xu hướng giảm về mặt bằng trước Tết Nguyên đán...
Dòng tiền trở lại hệ thống ngân hàng khiến thanh khoản dồi dào. Một số ngân hàng đã đi đầu trong việc hạ lãi suất cho vay.
Trong tuần vừa qua (22/2 – 26/2), Ngân hàng Nhà nước không thực hiện giao dịch trên thị trường mở và hút ròng 26,6 nghìn tỷ đồng thông qua đáo hạn các khoản vay trên kênh cầm cố (OMO).
Mặc dù bị hút ròng nhưng lãi suất trên liên ngân hàng tiếp tục có xu hướng giảm về mặt bằng trước Tết Nguyên đán. Chốt tuần trước (26/2), lãi suất VND liên ngân hàng dừng ở mức 0,33%/năm (giảm 77 điểm cơ bản) với kỳ hạn qua đêm và 0,54%/năm (giảm 67 điểm cơ bản) với kỳ hạn 1 tuần.
Theo các chuyên gia tài chính, diễn biến vẫn thể hiện tính mùa vụ mọi năm. Tức là, lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh khiến Ngân hàng Nhà nước bơm ròng hỗ trợ thanh khoản dịp gần Tết Nguyên đán, và khi thanh khoản hệ thống dồi dào trở lại sau kỳ nghỉ thì nhà điều hành rút ròng lại, lãi suất cũng hạ nhiệt dần.
Tiền dồi dào, một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất từ 10 – 40 điểm cơ bản đối với tiền gửi khách hàng cá nhân nhưng giữ nguyên với lãi suất tiền gửi tổ chức, từ đó thu hẹp chênh lệch lãi suất huy động giữa 2 nhóm khách hàng này.
Hiện lãi suất tiền gửi từ tổ chức kinh tế vẫn ở mức 2-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; 3-4.9%/năm với kỳ hạn 6-dưới 12 tháng; và 4.2- 5.8%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.
Cũng trong tuần, Vietcombank quyết định giảm đồng loạt lãi suất tiền vay cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng trong thời gian 3 tháng từ 22/2/2021 đến 22/5/2021. Tổng số khách hàng được giảm lãi suất là 105 ngàn khách hàng với quy mô tín dụng là 350 ngàn tỷ đồng, chiếm trên 40% dư nợ của Vietcombank.
Bên cạnh đó, BIDV cũng bung gói tín dụng ngắn hạn lãi suất ưu đãi với quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) kinh doanh xuất nhập khẩu vượt qua khó khăn do Covid-19.
Tại nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, HDBank cũng tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ với lãi suất giảm sâu, lãi suất hấp hẫn chỉ từ còn từ 3%/năm, tùy chương trình.
Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, hành động tiên phong giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng trên đã gia tăng kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay giảm thêm trong thời gian tới.
Còn tại thị trường ngoại hối tuần qua, giá vàng trong nước và quốc tế vẫn duy trì ở mức cao (ước khoảng 6.3 triệu đồng/lượng) đã khiến tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng thêm 50 VND chiều mua vào và 40 VND chiều bán ra, lên mức 23.820/23.870 VND.
Trong khi đó, tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại giảm 5 VND, xuống 22.890/23.100. Tuy nhiên, theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, lũy kế 2 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện ước đạt 2.5 tỷ USD, vẫn tăng khoảng 2% so với cùng kỳ 2020; cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1.29 tỷ USD (so với cùng kỳ năm trước xuất siêu 1.8 tỷ USD).
Bởi vậy, SSI cho biết, nguồn cung ngoại tệ trong nước vẫn khá dồi dào, được biết các ngân hàng thương mại đã bán kỳ hạn một lượng lớn ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước trong tháng 1/2021.
“Chúng tôi cho rằng tỷ giá USD/VND nhiều khả năng sẽ đi ngang trong ngắn hạn và có thể giảm nhẹ trong cả năm 2021”, nhóm nghiên cứu tại SSI nhận định.