Tiền đồng có thể mất giá 2-3% năm nay

Đây là dự báo của ông Lê Hoài Ân - CFA Founder IFSS, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp khi trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về diễn biến tỷ giá VND/USD từ nay tới cuối năm.

Tiền đồng chịu sức ép giảm giá từ nay tới cuối năm

Tiền đồng chịu sức ép giảm giá từ nay tới cuối năm

Nhìn lại diễn biến tỷ giá năm 2024, với những bất thường đã diễn ra, kinh nghiệm trong điều hành chính sách tiền tệ là gì?

Năm 2024, tỷ giá bán ra của ngân hàng thương mại kết thúc ở vùng 25.500 đồng/USD, tức mất giá xấp xỉ 4,2% so với cuối năm 2023 - mức thấp hơn nhiều so với đồng rupiah Indonesia hay won Hàn Quốc, nhưng vẫn là “cú trượt” dài nhất của tiền đồng kể từ làn sóng biến động cuối năm 2022. Có 3 vấn đề chúng ta có thể rút ra từ diễn biến tỷ giá năm qua.

Thứ nhất, tại cuộc họp ngày 30/4-1/5/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khẳng định giữ biên độ lãi suất USD từ 5,25- 5,5%/năm và chưa tính tới hạ lãi suất khi lạm phát giảm một cách ổn định về mức lạm phát mục tiêu dài hạn 2%. Mức chênh lệch lãi suất VND-USD bị san bằng đã khiến nhu cầu phòng thủ USD tăng vọt.

Ông Lê Hoài Ân - CFA Founder IFSS

Ông Lê Hoài Ân - CFA Founder IFSS

Thứ hai, vòng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc mới làm đơn hàng điện tử, dệt may suy yếu, nguồn cung USD thương mại co hẹp.

Thứ ba, suốt nửa cuối năm qua, nhiều ngân hàng Việt Nam đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi từ 0,1-1%/năm để hỗ trợ tín dụng và động thái này vô hình trung khuyến khích nắm giữ ngoại tệ thay cho tiền đồng. Để “bẻ” kỳ vọng đầu cơ, Ngân hàng Nhà nước đã kích hoạt bộ 3 công cụ: Bán ròng hơn 9 tỷ USD dự trữ (khiến mức dự trữ ngoại hối giảm mạnh xuống quanh 2,5 tháng nhập khẩu), phát hành tín phiếu 7-28 ngày lãi suất 4%/năm nhằm tạm hút tiền đồng dư thừa, đồng thời giữ trần lãi suất USD tiền gửi 0%/năm.

Diễn biến trên cho thấy điều hành tỷ giá hiệu quả nhất là khi áp dụng chính sách đa công cụ, nhưng can thiệp ngắn và đủ sâu; phá giá hành chính có thể nhanh chóng xói mòn niềm tin lẫn dự trữ ngoại hối. Trong bối cảnh Mỹ duy trì lãi suất cao, việc điều hành tỷ giá của Việt Nam có thể xem là thành công trong năm qua.

Thị trường ngoại hối tiếp tục biến động trong 6 tháng đầu năm 2025, nhưng chênh lệch giữa tỷ giá ngân hàng bán ra và tỷ giá bán ra trên thị trường tự do chỉ quanh mức 1%, dữ liệu này phản ánh điều gì?

Tính đến ngày 23/6/2025, tỷ giá USD/VND dao động quanh mốc 26.200 đồng/USD trên hệ thống ngân hàng, cao hơn thời điểm cuối năm 2024 khoảng 2,9%. Biên chênh lệch giữa tỷ giá ngân hàng bán ra và tỷ giá bán ra trên thị trường tự do chỉ quanh mức 1% báo hiệu hoạt động đầu cơ được kiểm soát. Mức trượt khiêm tốn này đứng vững trên 3 cột trụ vĩ mô: Một là, thặng dư thương mại 4 tháng đầu năm đạt 3,79 tỷ USD nhờ lĩnh vực nông sản và điện tử hồi phục; hai là, vốn FDI giải ngân đạt 6,74 tỉ USD - cao nhất 5 năm trong cùng kỳ; ba là, lượng kiều hối chuyển về trong dịp Tết Nguyên đán tiếp tục là nguồn cung ngoại tệ quan trọng.

Ở chiều ngược lại, chỉ số Dollar Index (DXY) từ đầu năm đến ngày 25/6/2025 đã giảm về 98,07 điểm, tức mất hơn 10% nhờ kỳ vọng Fed sớm xoay trục sang cắt giảm lãi suất và xung đột Trung Đông hạ nhiệt. Sự phân kỳ giữa USD yếu, CNY mạnh và VND mất giá rõ khẳng định sức ép nội tại đối với nhu cầu ngoại hối. Các sức ép ngoại hối có thể kể đến là việc Kho bạc Nhà nước mua USD trả nợ, doanh nghiệp dân cư trả nợ ngoại tệ, kiều hối chậm, khiến nguồn cung USD co lại. Tiền đồng phản chiếu vấn đề cán cân vốn, không phải chuyển động “đồng bạc xanh” toàn cầu. Việc lãi suất USD cao khiến cho nhu cầu vay những năm gần đây sụt giảm và các doanh nghiệp chỉ tập trung trả nợ, khi nhu cầu USD phát sinh lớn định kỳ tương ứng với chu kỳ trả nợ của các doanh nghiệp.

Dự báo của ông về biến động địa chính trị tác động đến USD và tiền đồng từ nay đến cuối năm?

Đợt không kích 3 cơ sở hạt nhân Fordow, Natanz, Isfahan ngày 22/6/2025 của liên minh Mỹ - Israel kéo giá dầu Brent về mốc 67,7 USD/thùng, mặc dù đôi bên đã đạt thỏa thuận ngừng bắn tạm thời nhưng giá dầu chưa nhanh chóng quay đầu.

Theo đó, trong kịch bản tích cực (xung đột Trung Đông hạ nhiệt và Fed bắt đầu hạ lãi suất 25 điểm cơ bản mỗi kỳ từ tháng 11/2025, chỉ số DXY duy trì quanh mức 97-100 điểm, dự báo tỷ giá USD/VND cuối năm dao động khoảng 26.200-26.500 đồng/USD.

Với kịch bản rủi ro (xung đột lại leo thang, eo biển Hormuz bị phong tỏa, giá dầu Brent vượt 120 USD/thùng, chỉ số DXY có thể phục hồi trên mốc 102 điểm), dự báo tỷ giá USD/VND có thể vượt mốc 26.500 đồng/USD, buộc Ngân hàng Nhà nước tái phát hành tín phiếu lãi suất cao hơn để hút tiền đồng về, tạm đóng “van” nới lỏng chính sách tiền tệ để bảo vệ chênh lệch lãi suất VND-USD.

Trụ đỡ “chống sốc” là dư địa dự trữ ngoại hối và tỷ lệ nợ nước ngoài của Việt Nam ở dưới mức 37% GDP, song nhà điều hành phải cảnh giác kênh vốn gián tiếp: Nếu nhà đầu tư rút ròng trái phiếu nội tệ, tỷ giá sẽ chịu áp lực cộng dồn.

Diễn biến tỷ giá ảnh hưởng mặt bằng lãi suất trong nước như thế nào?

Sau chuỗi cắt giảm giai đoạn 2023-2024, lãi tiền gửi kỳ hạn 12 tháng giảm xuống 4,8-5,2%/năm tại hầu hết ngân hàng lớn. Nếu tỷ giá USD/VND tiến sát mốc 26.300 đồng/USD, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng ngừng chu kỳ bơm tiền ròng, nâng lãi suất OMO/tín phiếu từ 50-75 điểm cơ bản, hệ quả là lãi suất huy động tại nhóm ngân hàng thương mại có thể bật lên 5,3-5,6%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, còn lãi cho vay trung - dài hạn ổn định quanh vùng 8-9%/năm.

Bên cạnh đó, các chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ liên quan đến việc duy trì lãi suất tiền gửi ở mức thấp cũng khiến quá trình tăng lãi suất của các ngân hàng thương mại trở nên chậm hơn, thay vì những bước giật mạnh.

Cuối cùng, nếu kịch bản lạc quan giúp tỷ giá hạ nhiệt, chi phí vốn có thể đi ngang từ nay tới cuối năm, từ đó góp phần đẩy mạnh tín dụng ra thị trường để hỗ trợ nền kinh tế trước tình hình thuế quan còn diễn biến khó lường.

Vậy các doanh nghiệp cần chuẩn bị ra sao trước rủi ro biến động tỷ giá và lãi suất?

Tỷ giá biến động mạnh trong những năm qua có thể ảnh hưởng tiêu cực tới biên lợi nhuận của doanh nghiệp nếu không có các giải pháp phòng hộ phù hợp. Kinh nghiệm giai đoạn 2022-2024 chỉ ra rằng, các doanh nghiệp khóa từ 50% trở lên nghĩa vụ ngoại tệ bằng hợp đồng forward hoặc swap thường bảo toàn biên lợi nhuận tốt hơn, chi phí phòng hộ chỉ vào khoảng 1,5-2% giá trị hợp đồng - thấp hơn mức biến động 3-4%/năm. Với những doanh nghiệp có dòng USD tự nhiên, vay USD với lãi suất cao (ví dụ SOFR + 200 điểm cơ bản, tương đương 6,8%/năm) rồi hoán đổi sang VND có thể giúp đưa chi phí vốn cuối cùng về mức quanh 5,3%/năm, rẻ hơn vay VND trực tiếp tới 170-320 điểm cơ bản.

Bên cạnh phòng vệ tài chính, doanh nghiệp nên trích lập quỹ dự phòng tỷ giá tương đương 3-5% lợi nhuận trước thuế; tái thương lượng điều khoản “FX pass-through” trong hợp đồng xuất khẩu nếu VND mất giá trên 2%, giá bán được điều chỉnh tương ứng; rút ngắn vòng quay hàng tồn kho xuống dưới 45 ngày để giảm lệ thuộc vốn ngắn hạn khi lãi suất bật tăng. Ngoài ra, xu hướng các đối tác ASEAN chấp nhận thanh toán bằng VND hoặc CNY mở thêm lựa chọn giảm phụ thuộc vào USD trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Tóm lại, diễn biến tỷ giá giai đoạn 2024-2025 chứng minh độ đàn hồi của VND khi Ngân hàng Nhà nước linh hoạt phối hợp bán - mua ngoại tệ, điều tiết phát hành tín phiếu và trần lãi suất USD. Do đó, việc VND mất giá 2-3 %/năm được coi là “phí bảo hiểm vĩ mô” chấp nhận được để duy trì đà phục hồi, miễn là lạm phát vẫn trong mục tiêu và dự trữ ngoại hối còn đủ dày.

Tuy vậy, đà xoáy địa chính trị và hành vi “higher for longer” từ Mỹ cho thấy diễn biến tỷ giá 2 năm tới sẽ không kém phức tạp. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nâng quản trị tỷ giá - lãi suất lên tầm năng lực lõi, đồng hành với nỗ lực ổn định vĩ mô của nhà điều hành: Phòng vệ ngoại tệ có kỷ luật, cấu trúc nợ linh hoạt, chính sách tỷ giá co giãn và tăng quỹ dự phòng rủi ro là những “phao cứu sinh” thiết thực. Khi mọi mắt xích chủ động thích ứng, biên lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp mới không bị cuốn phăng trong những “cơn xoáy” tỷ giá và lãi suất toàn cầu trong thời gian tới.

Nhuệ Mẫn thực hiện.

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-dong-co-the-mat-gia-2-3-nam-nay-post372092.html