Tiễn đưa dịch giả Nguyễn Thành Nhân về nơi an nghỉ cuối cùng
Sáng 10-11, nhiều nhà văn, bạn bè đồng nghiệp đã tiễn đưa dịch giả Nguyễn Thành Nhân đến nghĩa trang Bình Hưng Hòa.
Nhà văn, dịch giả Nguyễn Thành Nhân sinh năm 1964, tại TP HCM.
Năm 1984, anh nhập ngũ, lên đường thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, đến năm 1987 xuất ngũ, về làm bảo vệ tại Sân vận động Thống Nhất (TP HCM).
Năm 1988, anh thi và đậu khoa điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật TP HCM nhưng do gia cảnh nghèo khó, anh không thể học tiếp. Sau đó, anh học tiếp ngành luật. Đến năm 1994, anh mới tốt nghiệp Trường Đại học Luật. Làm việc tại văn phòng Liên đoàn bóng đá Việt Nam ở TP HCM đến năm 2005, anh nghỉ việc, dành thời gian tập trung viết văn, dịch sách, sáng tác thơ và nhạc.
Bạn đọc và giới chuyên môn biết đến nhà văn, dịch giả Nguyễn Thành Nhân qua các tác phẩm: "Bán trâu", "Lục bình", "Xa vắng"... (truyện ngắn), hai tập thơ mang tên "Lá cỏ", "Vũ điệu buồn của chữ" (tiểu luận), tiểu thuyết "Mùa xa nhà"…. Sự nghiệp của anh còn có đến khoảng 40 quyển sách được dịch như: "Đến ngọn hải đăng", "Căn phòng riêng", "Bà Dalloway"...
Tiểu thuyết "Mùa xa nhà" được Nguyễn Thành Nhân dịch sang tiếng Anh. Anh luôn tâm niệm phải chuyển tải đúng tinh thần tác phẩm khi làm công việc dịch giả, vì mỗi tác giả có phong cách riêng nên khi dịch, anh cố gắng giữ văn phong của họ để giữ cảm xúc chân thật trong tác phẩm.
Nhà văn Triệu Xuân kể: "Một năm trở lại đây, Nhân thường đăng lên Facebook những dòng tâm trạng nặng nề, bi quan, chán đời, bộc lộ tâm thế cô đơn, yếm thế. Từ ngày tôi lâm trọng bệnh, tháng 2-2019, Nhân thường xuyên thăm hỏi, hai lần đến tận nhà động viên tôi. Tôi từng nói với Nhân, hãy thanh thản mà sống và làm việc, tránh suy tư không tích cực, yếm thế, nhanh chóng thoát ra khỏi tâm thế trầm cảm. Nhân nhìn vào mắt tôi hứa chân tình: "Dạ, em sẽ làm theo lời anh khuyên nhủ". Sau đó, Nhân ôm chặt tôi trước khi ra về. Đó là lần cuối tôi nói chuyện với Nhân…".