Tiễn đưa NSND Huỳnh Nga về nơi an nghỉ cuối cùng
Sáng 24-2, đông đảo nghệ sĩ và người hâm mộ những tác phẩm sân khấu nổi tiếng của đạo diễn - NSND Huỳnh Nga đã tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Lễ truy điệu ông được tổ chức trang trọng, ấm áp.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, đã đọc điếu văn, ôn lại chặng đường dấn thân làm cách mạng của chàng trai trẻ Huỳnh Văn Thạch, từ công tác giao liên phấn đấu trở thành chiến sĩ cách mạng, được kết nạp Đảng năm 1959, sau đó chọn sân khấu làm nơi cống hiến tài nghệ.
"Ông là chất keo kết chặt hai nền sân khấu Nam – Bắc lại cùng chung mục đích hướng đến ngày đất nước thống nhất, để nghệ sĩ hai miền được đứng chung trên một sân khấu cách mạng. Mang ao ước và khát khao đó về lại Sài Gòn khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông đến nhận công tác tại Sở VHTT TP HCM, trong khi chờ phân công nhiệm vụ chính thức, ông len lỏi vào các đoàn hát ở TP. Dù học ở Rumani về nhưng ông đã thật sự yêu thích nghệ thuật cải lương đầy màu sắc, để rồi ban ngày tập tuồng cùng nghệ sĩ, ban đêm đứng cuối rạp làm khán giả cho đến lúc cánh màn nhung khép lại. Như một cơ duyên, ông đã gắn kết với sân khấu cải lương bằng cả tâm huyết, để rồi trở thành một đạo diễn quen thuộc với các đoàn nghệ thuật tập thể qua hàng loạt vở như: "Tìm lại cuộc đời", "Khách sạn Hào Hoa", "Nguyên Phi Ỷ Lan", "Đời cô Lựu", "Tiếng sáo đêm trăng", "Muôn dặm vì chồng", "Người giữ mộ", "Hàn Mạc Tử", "Hoa độc trong vườn", "Tấm Cám", "Người không cô đơn"… Người xem tìm thấy sức mạnh trong vở diễn của ông như vết dầu len lỏi, chầm chậm thấm sâu vào lòng người. Sự ra đi của ông là một mất mát lớn đối với nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam".
Đến tiễn đưa NSND Huỳnh Nga lần cuối, NSƯT Thành Lộc xúc động: "Kính biệt chú Huỳnh Nga, người đạo diễn tài hoa với nhiều vở diễn thành công lớn tạo nên thời hoàng kim thứ hai của nghệ thuật cải lương miền Nam suốt những năm 1975-1995. Chú là người lành tính, cầu thị, hiền hòa và cũng lém lỉnh đúng với bản chất người miền Nam và bộ môn nghệ thuật đặc trưng của mình".
NSND Kim Cương nhớ lại: "Những ngày đầu gắn với sân khấu miền Nam, tôi mời anh về Đoàn kịch nói Kim Cương dựng vở kịch "Chìa khóa". Trong các đạo diễn học ở các nước xã hội chủ nghĩa về, tôi thân với anh Huỳnh Nga nhất. Bởi, anh là người Long An, tôi là người Tiền Giang, tâm hồn nghệ sĩ Nam Bộ nên dễ nắm bắt các thông điệp cần nói trong tác phẩm".
NSND Trọng Hữu bày tỏ: "Trong sự nghiệp của tôi, vở cải lương "Hàn Mạc Tử" do ông dàn dựng đã mang lại doanh thu đỉnh điểm cho Đoàn cải lương Nhân dân Kiên Giang. Đến nổi đi đâu khán giả cũng gọi tôi là "Hàn Mạc Tử". Nhớ ơn ông lắm, một đạo diễn giàu nhân cách, sống gần gũi với mọi người".
Linh cữu NSND - đạo diễn Huỳnh Nga được an táng tại quê nhà Mộc Hóa, Long An. Đại diện gia đình, con trai trưởng của NSND Huỳnh Nga là anh Huỳnh Minh Tuấn đã nói lời cảm tạ gửi đến những khán giả, nghệ sĩ đã dành cho NSND Huỳnh Nga tình cảm sâu sắc với tấm lòng biết ơn của gia đình.
Một số hình ảnh lễ viếng NSND Huỳnh Nga của các nghệ sĩ: